Chương trình làm việc của Đoàn kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện Quyết định số 10-QĐ/BCĐTW ngày 10/01/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về việc phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) - thành viên Ban Chỉ đạo được giao theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với 05 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) và 02 bộ, ngành (Bộ Y tế, KTNN).
Đồng thời, căn cứ vào Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức Đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 03 tỉnh và 01 Bộ. Theo đó, KTNN đã ban hành Văn bản số 1345/KTNN-TH ngày 17/10/2024 về Kế hoạch kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Ninh Bình.
Tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát còn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát và các lãnh đạo Vụ Tổng hợp; KTNN khu vực XI; Văn phòng Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Đoàn thể; Vụ Pháp chế; Thanh tra KTNN và lãnh đạo các Vụ của Ban Nội chính Trung ương…
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Việt Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành.
Phát biểu quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra, giám sát tại tỉnh Ninh Bình, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát nhấn mạnh: Cuộc kiểm tra, giám sát định kỳ này nhằm đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình trong giai đoạn vừa qua; làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp; tiếp nhận những kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình.
Chia sẻ mục đích là làm sao trong thời gian tới thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là quán triệt tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Ngô Văn Tuấn bày tỏ mong muốn các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực trao đổi, thảo luận để buổi làm việc diễn ra hiệu quả, thực chất.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, giám sát, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nêu rõ, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh được quan tâm đặc biệt, tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với các nội dung làm việc cụ thể của Đoàn kiểm tra, giám sát, đồng chí Đoàn Minh Huấn yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành… báo cáo kỹ các nội dung, tích cực trao đổi làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế để cùng thảo luận tìm ra phương hướng giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, hướng dẫn để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất với những nội dung đánh giá Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, các đại biểu thống nhất tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.../.