Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò to lớn của gia đình đối với Tổ quốc. Ngày 27/5/1955, trong bài “Gia đình gương mẫu” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mối quan hệ trong gia đình cũng như mối quan hệ với Tổ quốc. Người viết: “Gia đình không gì quý hơn con. Loài người không gì quý bằng Tổ quốc”. Hồ Chủ tịch đặc biệt biểu dương sự cống hiến hy sinh của các gia đình có công với nước, trong đó có những gia đình có nhiều người con sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Những gia đình có bao nhiêu con đều hiến cả cho Tổ quốc là những gia đình gương mẫu vẻ vang. Dân tộc có những gia đình như vậy thì nhất định tự do, độc lập”.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân càng quan tâm, chú trọng đến vấn đề xây dựng gia đình. Chúng ta xác định: Việc xây dựng gia đình hạnh phúc chính là thiết thực tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, vì vậy, đây là vấn đề hết sức hệ trọng của cả dân tộc ta với khẳng định: “Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Đảng, Nhà nước đã sớm đưa ra Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những chủ trương, chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên cũng được ban hành kịp thời, được cả hệ thống chính trị và toàn dân quán triệt, triển khai thực hiện. Điển hình như việc xây dựng, phát triển gia đình văn hóa mới, tiêu biểu không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, qua đó giúp cho việc xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng tốt đẹp.
Cùng với việc xây dựng, phát huy những mặt mạnh, ưu điểm trong xây dựng gia đình Việt Nam, chúng ta còn kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, thói hư, tật xấu trong xã hội liên quan đến gia đình. Đáng chú ý là lối sống thực dụng, tình trạng bạo lực gia đình, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải lên án, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, nhất là tệ đánh vợ, phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; trong đó, Người nêu rõ vai trò trách nhiệm của phụ nữ, thanh niên. Ngày 20/3/1961, tại buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phụ nữ và Thanh niên cần phải gánh vai chính trong việc xây dựng đời sống mới và thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình”. Vấn đề này cũng được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đề cập đến trách nhiệm, sự gương mẫu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng gia đình. Người từng yêu cầu rất cụ thể: “Chi bộ phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, đảng viên trong xây dựng gia đình để bản thân họ và gia đình họ thuận lợi trong cuộc sống, công tác. Người chỉ rõ: Phải giúp đỡ cán bộ, đảng viên có điều kiện tốt để làm việc, có thuốc thang khi đau ốm, giúp họ giải quyết vấn đề về gia đình, để “gia đình họ khỏi khốn quẫn”.
Trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định để các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thực hiện trong xây dựng gia đình. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư, khóa XIII có Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Đảng có quy định rõ về những điều đảng viên không được làm, như đảng viên không được: “Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội; có hành vi bạo lực trong gia đình; vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác như vợ chồng…”. Đồng thời, Đảng còn có quy định đảng viên không được can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng)… lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi, hay tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi…
Thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, quy định trên sẽ thiết thực góp phần xây dựng gia đình cán bộ, đảng viên luôn thật sự tiêu biểu, gương mẫu./.