Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định để phát triển

(BKTO) - Việc giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa lớn trong việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các dự án lớn và tăng động lực để các DN đầu tư, kinh doanh bền vững hơn. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần nâng cao tính ổn định của các quy định pháp luật, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của DN.

z4279643340058_21b7b52d35bf5613f71961290784623f.jpg
Cần nâng cao tính ổn định của các quy định pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Ảnh minh họa

Khó dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo… thường có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của dự án có thể thay đổi so với dự liệu ban đầu của nhà đầu tư, trong đó những biến động về môi trường pháp lý, sự thay đổi chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Cũng theo ông Đức, rủi ro pháp lý có thể được chia thành hai loại chính, gồm: Rủi ro ban hành pháp luật và rủi ro thực thi pháp luật của Nhà nước. Trong đó, rủi ro ban hành pháp luật tương đối tường minh, đó là sự thay đổi chính sách và pháp luật thành văn. Ngược lại, rủi ro thực thi pháp luật khó nhận biết hơn, đó là sự thay đổi cách thức thi hành pháp luật hay sự áp dụng pháp luật không nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước. Phần lớn DN khó có thể dự đoán được sự thay đổi của quy định pháp luật.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát gần 11.000 DN do VCCI thực hiện cho thấy, tỷ lệ DN dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2014 với 15,75% DN cho biết họ luôn luôn dự đoán được; tuy nhiên, đến năm 2021, tỷ lệ trên chỉ còn 4,55%. Tương tự, đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ DN luôn luôn dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2014 có 8,27% DN dự đoán được việc thực hiện của chính quyền cấp tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương thì năm 2020 chỉ còn 5,56%.

“Những con số trên cho thấy thực trạng đáng quan ngại về tính ổn định, dễ dự đoán được của môi trường pháp lý. Trong khi đó, cộng đồng DN luôn cần một môi trường pháp lý có tính ổn định, có khả năng dự đoán trước khi quyết định đầu tư. Nếu môi trường pháp luật không ổn định, khó dự đoán tức là rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sẽ kém thuận lợi” - ông Đức nhấn mạnh.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam - chia sẻ, khung khổ hệ thống pháp luật có tính ổn định cao sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các DN yên tâm, sẵn sàng đầu tư trong dài hạn.

Cần nâng cao tính ổn định của môi trường pháp lý

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, Nghị quyết của Đảng xác định phải hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tuy nhiên, thực tế sự phát triển của cộng đồng DN hiện nay cho thấy bất cập rất lớn là một bộ phận không nhỏ DN tư nhân “không muốn lớn”. Bởi, bên cạnh nhiều yếu tố khác như: Quy mô vốn của DN còn hạn chế, trình độ công nghệ, quản lý thấp thì rủi ro pháp lý cao cũng là một phần nguyên nhân khiến DN ít đầu tư vào các dự án lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Do đó, nếu muốn phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, muốn công nghiệp hoá đất nước dựa trên các DN tư nhân, thì giảm rủi ro pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Trước yêu cầu đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp để nâng cao tính ổn định của môi trường pháp lý, gồm: Giảm rủi ro thay đổi quy định của pháp luật và giảm rủi ro thay đổi cách thực thi chính sách. Đối với giảm rủi ro thay đổi quy định của pháp luật, theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến DN khi soạn thảo các văn bản pháp luật. Việc này không chỉ giúp DN biết trước được quy định để có nhiều thời gian chuẩn bị, mà còn giúp tránh được các quy định đưa ra gây sốc, ảnh hưởng quá lớn đến các DN. Song song với đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho DN, điều này nhằm giảm tác động tiêu cực của sự thay đổi quy định pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh…

Đối với giảm rủi ro thay đổi cách thực thi chính sách, theo các chuyên gia, cần tăng cường áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Bởi lẽ điều này sẽ giảm sự tùy tiện trong lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra. Theo đó, việc lựa chọn đối tượng và tần suất thanh tra, kiểm tra sẽ được thực hiện theo bộ tiêu chí thống nhất nhằm chấm điểm rủi ro của từng DN.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng nguyên tắc tiền lệ, nguyên tắc đồng bộ trong quá trình thực thi công vụ. Hai nguyên tắc này thường được áp dụng trong hệ thống tư pháp của các quốc gia. Hệ thống toà án của Việt Nam cũng đã bắt đầu đưa ra những cơ chế để thực hiện nguyên tắc này thông qua việc ban hành án lệ và đăng tải công khai bản án. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng hai nguyên tắc này vẫn rất hạn hẹp, chưa trở thành nguyên tắc bao quát trong quá trình thực thi công vụ của bộ máy nhà nước./.

Theo thống kê của VCCI, có 39% DN quy mô từ 11-50 lao động không bao giờ dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật; tỷ lệ này ở các DN có quy mô trên 1.000 lao động là 19%.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định để phát triển