Doanh nghiệp chật vật trước “bão giá” vật liệu xây dựng

(BKTO) - Chi phí vật liệu xây dựng (VLXD) chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng giá trị dự toán xây dựng công trình. Do đó, giá các mặt hàng VLXD tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của dự án và bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

13.jpg
Nhà thầu xây dựng cần có giải pháp để giảm thiểu rủi ro do biến động giá VLXD. Ảnh: P. TUÂN

Doanh nghiệp gặp khó khi giá vật liệu xây dựng “leo thang”

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nhiều mặt hàng VLXD cơ bản như: Xi măng, sắt, thép, cát… liên tục tăng cao. Đơn cử, đối với mặt hàng thép, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá thép có tới khoảng 6 lần tăng liên tiếp, hiện giá thép phổ biến trên thị trường vào khoảng 17 triệu đồng/tấn, mức giá này tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2022. Giá VLXD tăng cao đang tạo áp lực lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng.  

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho biết, chi phí VLXD thường chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị dự toán xây dựng công trình, do đó, khi giá VLXD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của dự án, công trình. Không chỉ làm tăng chi phí đầu tư, việc giá VLXD tăng cao còn khiến các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Hiệp, hiện nay, hầu hết chủ đầu tư đều sử dụng hình thức đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói ở thời điểm thương thảo và ký kết hợp đồng, nên khi trúng thầu, các nhà thầu không thể thay đổi và điều chỉnh giá. Do đó, khi giá VLXD tăng cao khiến nhà thầu có thể phải tự bù lỗ, nếu không sẽ không thực hiện được đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Ngay cả đối với các hợp đồng thi công xây dựng theo hình thức điều chỉnh giá theo thông báo giá của địa phương cũng gặp khó khăn, bởi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố thường chưa kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá thực tế trên thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng. “Trong bối cảnh giá nhiều VLXD không ngừng “leo thang” từ năm 2022 đến nay, không ít doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, còn không làm thì sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ. Trong năm 2022, nhiều nhà thầu trong Hiệp hội đã phải thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công dự án do không đủ nguồn lực tài chính để cân đối trước sự tăng giá của VLXD” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cũng chia sẻ, các doanh nghiệp địa ốc đang lao đao trước cơn “bão giá” VLXD. Theo ông Điệp, chi phí giá VLXD là một trong những chi phí cấu thành nên giá bán nhà. Đơn cử, chi phí thép chiếm khoảng 12-16% tổng chi phí xây dựng công trình, nếu giá thép tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng 1-1,5%, đồng nghĩa giá bán nhà sẽ tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản khá trầm lắng, lượng giao dịch sụt giảm, doanh nghiệp rất khó có thể điều chỉnh tăng giá bán nhà, do đó, khi giá VLXD tăng cao sẽ “ăn mòn” vào biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cần điều chỉnh giá vật liệu xây dựng sát với diễn biến thị trường

Theo nhiều chuyên gia, dự báo giá các mặt hàng VLXD có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là bởi thị trường bất động sản đang được kỳ vọng sẽ “ấm” dần lên. Hơn nữa, năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022; ngoài ra còn có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, năm 2023, chi tiêu từ ngân sách dành cho đầu tư công lên tới hơn 858.000 tỷ đồng. Theo đó, nhu cầu về nguyên VLXD sẽ tăng cao, kéo theo mặt bằng giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Bộ Xây dựng cũng dự báo, giá VLXD trong năm nay sẽ tiếp tục tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cần chủ động đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật tình hình giá cả nguyên vật liệu, theo dõi các dự báo về diễn biến thị trường để xây dựng kế hoạch mua hàng một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro do biến động giá.

Bên cạnh đó, trong quá trình hợp tác triển khai dự án, công trình, các doanh nghiệp cần lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp, hạn chế sử dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói, tăng cường công tác quản lý hợp đồng xây dựng. Đối với các hợp đồng đã ký kết theo hình thức đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ các đầu mục chi phí để điều tiết tổng chi phí chung, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến động giá VLXD.

Theo các chuyên gia, trong năm 2022, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá VLXD, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hằng tháng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương xác định giá VLXD, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường.

Do đó, trong bối cảnh giá các mặt hàng VLXD tiếp tục biến động bất thường như hiện nay, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp với mặt bằng giá thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng. Song song với đó, các địa phương cũng cần nâng cao chất lượng dự báo cung - cầu VLXD trên địa bàn, tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả các mặt hàng VLXD, tránh các hiện tượng “găm hàng”, “thổi giá”…/.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2023 ước tăng khoảng 4,2-4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một trong những nguyên nhân làm tăng CPI trong 3 tháng đầu năm là do nhóm nhà ở và VLXD tăng khoảng 7,2% (do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng), tác động làm CPI quý I/2023 tăng khoảng 1,4%.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chật vật trước “bão giá” vật liệu xây dựng