Doanh nghiệp chủ động nguồn vốn trung, dài hạn để đi “đường dài”

(BKTO) - Nguồn vốn trung, dài hạn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, việc DN chủ động được nguồn vốn này, đa dạng hóa các kênh huy động vốn sẽ là nền tảng vững chắc để DN có thể đi “đường dài”, phát triển bền vững.

a_trang-13.jpg
Nguồn vốn trung, dài hạn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Vốn trung, dài hạn chủ yếu từ tín dụng ngân hàng

Trong cơ cấu nguồn vốn của các DN, vốn trung, dài hạn là một cấu phần rất quan trọng, đó chính là nguồn lực để DN đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Để có nguồn lực hình thành các tài sản trên, DN có thể sử dụng nguồn vốn trung, dài hạn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vốn đầu tư của DN hoặc vốn huy động. Tuy nhiên, do DN Việt Nam phần lớn là có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn vốn chủ sở hữu, nên nguồn vốn trung, dài hạn của các DN thường được tạo lập thông qua hoạt động đi vay, trong đó phổ biến là vay từ hệ thống các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, việc nguồn vốn trung, dài hạn của DN vẫn phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng, sẽ tạo nên nhiều rủi ro không chỉ cho bản thân DN mà còn cho cả hệ thống tín dụng. Cụ thể, về phía ngân hàng, hiện nay, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng được tạo lập chủ yếu từ tiền gửi của khách hàng, trong đó, phần lớn là có kỳ hạn ngắn, do đó nếu ngân hàng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn này cho vay trung, dài hạn quá lớn sẽ tạo nên chênh lệch lớn giữa huy động ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, gây ra rủi ro rất lớn về thanh khoản cho từng ngân hàng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Đối với các DN, nếu quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính, trong trường hợp các nhà băng siết tín dụng hoặc điều kiện cho vay, các DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay cũng còn khá cao, chi phí vốn lớn, nên khi DN phải vay vốn ngân hàng quá nhiều sẽ dẫn tới làm giảm biên lợi nhuận của DN...

Theo quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hiện nay, các ngân hàng thương mại được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ tối đa là 30%.

Đối với kênh huy động vốn trung, dài hạn của các DN thông qua thị trường vốn, theo Bộ Tài chính, hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần, bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, đối với thị trường cổ phiếu, tính đến cuối năm 2023, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022, tương đương khoảng 62% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đối với thị trường trái phiếu DN, năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN đạt 311.240 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Mặc dù các thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với những điều kiện chặt chẽ trong quy định pháp luật hiện hành đối với việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì các thị trường này vẫn chưa thực sự trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn phổ biến cho các DN.

Doanh nghiệp cần đa dạng kênh huy động vốn

Theo các chuyên gia, hiện nay, sức ép tài chính luôn là một rào cản lớn đối với các DN, do đó, việc cần chủ động tìm giải pháp để đa dạng kênh huy động vốn trung, dài hạn, ngoài kênh tín dụng ngân hàng, là một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các DN. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, đối với các DN đủ điều kiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì DN cần đẩy mạnh hình thức huy động vốn này. Muốn vậy, các DN cần nâng cao năng lực quản trị tài chính, quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán kế toán và công bố thông tin trong hoạt động, đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh… để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Liên quan đến việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN, nâng cao vai trò của các thị trường này trong việc cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và DN, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán để tạo điều kiện cho DN huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đặt ra, nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với thị trường trái phiếu DN, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu DN; vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, theo các chuyên gia, đối với những DN có quy mô nhỏ, không thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu, có thể cân nhắc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ, như: Quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư mạo hiểm; trong đó đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đây là trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các DN nhỏ và vừa, nhất là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới nếu các dự án của DN có tính khả thi cao.

Đặc biệt, các DN có thể tận dụng một phương thức huy động vốn đang dần phổ biến hiện nay là thuê tài chính, bởi đây là hình thức cấp tín dụng trung, dài hạn có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, hình thức cấp tín dụng này thường không bắt buộc khách hàng phải thực hiện thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Mặt khác, với hình thức này, DN sẽ không bị áp lực tài chính khi phải tập trung nguồn vốn lớn để đầu tư tài sản mới, thay vào đó, DN chỉ cần thanh toán tiền thuê tài sản hằng tháng trong thời hạn thuê; do đó, mặc dù có số vốn hạn chế, DN vẫn có thể mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thuê tài chính là một phương thức tài trợ có tỷ lệ cung cấp vốn cao hơn so với vay vốn trung, dài hạn từ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển mở rộng hoạt động sản xuất./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chủ động nguồn vốn trung, dài hạn để đi “đường dài”