Thúc đẩy kiều hối vào thị trường bất động sản

(BKTO) - Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, BĐS của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng kiều hối đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới.

kieu-hoi-1-goc-nhin.jpg
Thị trường bất động sản Việt Nam kỳ vọng có thêm nguồn cầu lớn từ dòng kiều hối. Ảnh minh họa

Thị trường bất động sản có thêm nguồn cầu lớn

Tại Điều 4, Luật Đất đai năm 2024 quy định về “Người sử dụng đất” đã bổ sung thêm đối tượng người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều) được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam). Bên cạnh đó, trong Luật Đất đai mới cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất ở, trong khi luật hiện hành không có những quy định này. Cùng với đó, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 cũng mở rộng quyền sở hữu nhà ở, kinh doanh BĐS… của Việt kiều.

Nhìn nhận về những quy định cởi mở hơn của các luật mới, bà Nguyễn Việt Triều - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan - chia sẻ, Việt kiều nói chung và người Việt ở Ba Lan nói riêng rất phấn khởi khi chính sách của Nhà nước coi người Việt Nam ở nước ngoài bình đẳng như công dân trong nước. Trước đây, Việt kiều muốn mua nhà trong nước phải nhờ người thân đứng tên nên bà con ngần ngại, không muốn mua. Nay với chính sách mới, người Việt ở nước ngoài có thể đầu tư nhà ở, BĐS trong nước để tích lũy hoặc cho thuê lại.

“Hiện nay, số lượng người Việt ở nước ngoài tương đối lớn, trong số đó có một lượng không nhỏ Việt kiều ở độ tuổi nghỉ hưu, muốn về nước sinh sống; đồng thời cũng có nhiều Việt kiều muốn được tham gia đầu tư BĐS trong nước. Chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho họ thực hiện kế hoạch dễ dàng hơn; điều này cũng giúp thị trường BĐS sẽ có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiều” - bà Triều bày tỏ.

Cũng bàn về xu hướng này, ông Trần Bá Phúc - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam từ trước đến nay được Việt kiều tại Australia rất quan tâm. Cộng đồng người Việt tại Australia rất vui mừng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và có nhiều điểm mới. Các quy định mới đã góp phần giải quyết những bất cập về pháp lý trước đây khi Việt kiều muốn mua nhà trong nước, phải nhờ người đứng tên, do đó có thể dẫn đến tranh chấp, lạm dụng, thậm chí mất quyền sử dụng đất. Vì vậy, quy định người Việt ở nước ngoài có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở như công dân trong nước sẽ tạo điều kiện cho họ thực hiện đầu tư kinh doanh hoặc trở về sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Phan Bích Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary - bày tỏ, khi có nền tảng pháp luật rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, kiều bào sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi quyết định đầu tư, giúp gia tăng lượng kiều hối gửi về nước để đầu tư BĐS. Các quy định mới cũng sẽ tạo điều kiện, niềm tin vững chắc cho kiều bào gắn bó với đất nước; từ đó, huy động, khơi thông tiềm lực của kiều bào ta ở nước ngoài.

Kỳ vọng làm “ấm” thị trường bất động sản

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết năm 2023 đạt 238,95 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ước tính có khoảng 15-20% lượng kiều hối được đầu tư trực tiếp vào BĐS. Nếu quy đổi sang sản phẩm, lượng tiền này tương đương với giá trị của khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm. Về tiềm năng thu hút lượng kiều hối, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện có gần 6 triệu người, tốc độ tăng trưởng khoảng 5%/năm. Kiều bào sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 80% kiều bào sinh sống ở các nước phát triển. Do đó, nhiều chuyên gia đánh giá, những quy định mới rất có ý nghĩa đối với thị trường BĐS, là cơ hội vàng để “xốc dậy” và thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam trở nên sôi động hơn, trong bối cảnh thị trường BĐS thời gian gần đây khá trầm lắng.

Tuy nhiên, để thị trường BĐS có thể đón bắt được những cơ hội này, theo các chuyên gia, với tiềm lực về tài chính, khách hàng là Việt kiều nói riêng hay các nhà đầu tư quốc tế nói chung chắc chắn sẽ đặt ra những tiêu chuẩn đầu tư rất cao. Theo đó, họ không chỉ quan tâm đến giá cả BĐS mà còn quan tâm đặc biệt đến các vấn đề như: Uy tín, tiềm lực tài chính của chủ đầu tư; chất lượng dự án, hạ tầng kỹ thuật đi kèm và những dịch vụ tiện ích kết hợp xung quanh dự án… Do đó, để thu hút được dòng vốn của các kiều bào đầu tư vào BĐS, các doanh nghiệp địa ốc cần phải chú trọng nâng cao chất lượng dự án, hướng đến đầu tư những dự án có nhiều tiện ích, dịch vụ đi kèm, cũng như quan tâm đến yếu tố xanh, thân thiện với môi trường của dự án. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cần đảm bảo thực hiện đúng những cam kết trong quá trình xây dựng, phát triển dự án.

Về phía kiều bào, bà con Việt kiều bày tỏ, để những điểm mới trong các luật trên đi vào cuộc sống đạt được hiệu quả cao nhất, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần tiếp tục quy định chi tiết các nội dung theo hướng minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nhà ở và BĐS ở trong nước./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kiều hối vào thị trường bất động sản