Doanh nghiệp đang cải thiện các yếu tố trong quy trình phân bổ vốn

(BKTO) - Trong một cuộc khảo sát gần đây của EY, hơn một nửa giám đốc tài chính (CFO) cho biết chiến lược phân bổ vốn của họ cần phải được xem xét lại hoàn toàn. Đại dịch Covid-19 đã khiến các CFO phải liên tục duy trì sự nhanh nhạy với thị trường và tập trung vào giá trị lâu dài.




Đại dịch Covid-19 đã khiến các CFO phải liên tục duy trì sự nhanh nhạy với thị trường và tập trung vào giá trị lâu dài. Ảnh minh họa

Đánh giá lại danh mục hoạt độngkinh doanh cốt lõi

Khoảng 2/3 DN tham gia khảo sát cho biết họ không thể đầu tư cho tất cả các dự án được lên kế hoạch vào năm 2020, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Thực tế, đại dịch đã trở thành một bài kiểm tra về tính hiệu quả của các chiến lược phân bổ vốn, lập kế hoạch và triển khai dự án. Qua đó, DN có thể nhanh chóng đưa ra phương án ưu tiên các khoản đầu tư và phân bổ lại vốn, thậm chí là cải thiện vị thế cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, hơn một nửa CFO nói rằng đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đầu tư vốn hiệu quả của DN trong năm 2020. Hầu hết các CFO cho biết nhu cầu thay đổi của khách hàng (60%) và không có khả năng dự báo chính xác hiệu quả kinh doanh trong tương lai (54%) là thách thức nhất mà DN phải đối mặt trong đại dịch. Bên cạnh đó, sự thiếu tự tin vào chiến lược phân bổ vốn kết hợp với việc thiếu vốn để đầu tư cho tất cả các dự án đã buộc các DN phải xem xét lại danh mục hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đồng thời, các CFO phải cẩn thận lựa chọn các sáng kiến để đầu tư và giải quyết những thay đổi có thể xảy ra trong dài hạn đối với thị trường.

Theo các chuyên gia của EY, bước đi tiếp theo của DN sẽ phụ thuộc vào tác động của đại dịch. Trong đó, một số ngành công nghiệp như vận tải và nhà hàng cần khẩn trương cải thiện các yếu tố trong quy trình phân bổ vốn của mình nếu không muốn rơi vào cảnh ngừng hoạt động. Các ngành khác như công nghệ và khoa học đời sống mặc dù có sự gia tăng về nhu cầu sử dụng và những làn sóng đầu tư mới nhưng vẫn phải liên tục sáng tạo để không bị tụt hậu.

Ngoài ra, đại dịch cũng làm gia tăng một số xu hướng đã có, đặc biệt là việc thúc đẩy kỹ thuật số trên mọi lĩnh vực. Trong đó, xu hướng y tế từ xa và làm việc từ xa được các CFO đánh giá có sự gia tăng đầu tư mạnh trong năm 2020 so với năm 2019. Đồng thời, có tới 62% CFO tin rằng sự tăng tốc của chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tác động đến phân bổ vốn của DN trong tương lai.

Làm thế nào để đưa ra quyết địnhđầu tư đúng đắn?

Các CFO đều kỳ vọng các khoản đầu tư của họ sẽ được phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nhất vẫn là làm thế nào để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn? Điều này đặt ra không ít thách thức cho DN, nhất là khi họ không có đủ vốn để triển khai nhiều dự án, trong khi nhu cầu của khách hàng và mức độ cạnh tranh ngày càng thay đổi nhanh chóng.

Theo các chuyên gia của EY, trước tiên, DN phải cân nhắc khả năng xảy ra các tình huống khác nhau để xác định hoạt động kinh doanh của DN sẽ như thế nào trong tương lai, sau đó điều chỉnh chiến lược và phân bổ vốn phù hợp. Khi đã hình dung được tình trạng tương lai của DN, bước tiếp theo là kiểm kê các tài sản. Việc xem xét danh mục đầu tư thường xuyên có thể giúp DN tìm thấy các tài sản không còn phù hợp với chiến lược dài hạn, từ đó thoái vốn để đầu tư cho các hạng mục trong tương lai.

Việc cấp vốn cho tương lai đòi hỏi một quy trình phân bổ vốn với sự quản trị chặt chẽ nhằm duy trì kỷ luật và cho phép ra quyết định công bằng. Quy trình này cũng phải đủ nhanh nhạy để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của nhu cầu kinh doanh, hành vi của khách hàng, tốc độ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch... Đồng thời, quá trình phân bổ vốn không nên kết thúc khi các quyết định được đưa ra. Trong quá trình thực hiện, các CFO cần thực hiện các cuộc đánh giá để rút ra bài học trước khi quyết định đầu tư vào các dự án mới. Ngoài ra, DN nên tính đến phương án hủy bỏ một dự án kém hiệu quả và cho phép nguồn vốn được triển khai lại, thay vì cố gắng cứu dự án bằng những cách giải quyết không hiệu quả để tránh thua lỗ.

Bên cạnh đó, các DN cần cải thiện việc giao tiếp với nhà đầu tư và cộng đồng nhà phân tích (chỉ 55% CFO tham gia khảo sát cho biết họ truyền đạt chiến lược phân bổ vốn của mình với các bên liên quan). Sự thiếu minh bạch có thể làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư, vì vậy, họ cần được giải thích về các quyết định đầu tư mà DN đang thực hiện và hiệu quả trong tương lai.

Một vấn đề quan trọng nữa CFO cần xem xét là tận dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến để tăng hiệu suất và hiệu quả ra quyết định. Ngày nay, DN được đánh giá trên nhiều thước đo cả về định lượng và định tính. Nó không chỉ là vấn đề doanh thu và lợi nhuận mà còn là tác động xã hội và môi trường. Vì vậy, DN cần sử dụng các công cụ phân tích và dữ liệu nâng cao để quản lý trên phạm vi rộng, từ đó nhận lại các thông tin chi tiết, hữu ích, bao gồm cả những cảnh báo vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức.

Khi định nghĩa về giá trị dài hạn đã mở rộng, các CFO buộc phải có cái nhìn tổng thể hơn về phân bổ vốn. Họ nhận thức rõ về các chỉ số tài chính như tốc độ tăng trưởng, dòng tiền tự do và lợi tức trên vốn đầu tư. Nhưng các chỉ số khác liên quan đến khách hàng, lòng trung thành của nhân viên, khả năng lãnh đạo, sự đa dạng và hòa nhập, tính bền vững, môi trường, đạo đức… cũng ngày càng quan trọng và cần được xem xét tổng thể.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
  • Thị trường M&A vẫn sôi động  bất chấp đại dịch
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong nửa cuối năm 2020, số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đã tăng 18% và tổng giá trị thương vụ tăng tới 94%, trong đó, lượng giao dịch quy mô lớn tăng gấp đôi. “Định giá các thương vụ M&A đang tăng mạnh với mức cao và cạnh tranh lớn đối với các tài sản công nghệ hoặc tài sản số đang thúc đẩy các thương vụ toàn cầu” - Báo cáo về xu hướng ngành M&A toàn cầu do PwC công bố mới đây đưa ra nhận định.
  • Lợi nhuận Quý IV/2020 của BSR vượt mức 1.200 tỷ đồng
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Quý IV/2020, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chỉ ghi nhận 17.123 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 40,7% so với Quý IV/2019 nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,37 điểm phần trăm giúp BSR thu về 1.389,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
  • Thị trường bất động sản Việt Nam - 'Lò xo' bị nén chặt chờ bật dậy
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Các chuyên gia nhận định, năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ “bùng nổ” với nhiều dự án mới được tung ra thị trường; trong đó phân khúc nhà ở vẫn là một điểm sáng thu hút sự quan tâm.
  • Tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việc ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai trong các năm tới.
  • Ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nội dung Danh mục giải thích rõ những dịch vụ xuất, nhập khẩu gồm khái niệm, nhận dạng các hoạt động xuất nhập khẩu dịch vụ, dịch vụ thuộc phạm vi, không thuộc phạm vi thống kê dịch vụ xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp đang cải thiện các yếu tố trong quy trình phân bổ vốn