Đây là một trong những báo cáo đầu tiên nghiên cứu và đưa ra đánh giá toàn diện về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ - là các doanh nghiệp có Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT là nữ và những doanh nghiệp có số thành viên/cổ đông là nữ chiếm từ 51% trở lên- dựa trên nguồn dữ liệu khảo sát hơn 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: QUỲNH ANH |
Báo cáo đánh giá, khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện chiếm tới 1/4 số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2019, trên cả nước có hơn 285 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020 thì chỉ tiêu này đến nay vẫn chưa đạt.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 75%), 12% trong lĩnh vực xây dựng, 7% trong lĩnh vực công nghiệp, 7% trong lĩnh vực nông nghiệp/lâm nghiệp/thủy sản.
Ở các địa phương có sự chênh lệch doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khá lớn. Tỷ lệ lớn nhất là TP.HCM với 28,3%; tiếp đến là Hải Phòng 26,7% và Hà Nội 26%; tại Đà Nẵng là 25,1% và tại Cần Thơ là 21,8%. Dường như ở các vùng kinh tế sôi động hơn có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cao hơn. |
Báo cáo cũng nêu nhận định, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và do nam giới làm chủ là tương tự nhau, chứng tỏ năng lực điều hành công việc sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp là nữ giới không thua kém chủ doanh nghiệp nam.
Nghiên cứu cho thấy, 63% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đánh giá khó khăn lớn nhất với họ là tìm kiếm khách hàng, sau đó là biến động thị trường và tìm kiếm nguồn vốn. Nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được nhận định vẫn chưa bình đẳng với khu vực doanh nghiệp còn lại.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Liên Hợp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó mục tiêu trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng giới được đánh giá là quan trọng nhất. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển bao trùm thì đây là cơ hội lớn cho phụ nữ.
Do đó, phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế của các quốc gia. Theo ông Vũ Tiến Lộc, nội hàm mới đó bao gồm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế - xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp.
Báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” ngoài việc nêu thực trạng còn đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
QUỲNH ANH