EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện năm 2018, chưa hạch toán được hơn 3.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá

(BKTO) - Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối- bán lẻ điện và phụ trợ- quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.



Đây là thông tin vừa được Bộ Công Thương công bố chiều nay (18/12), tại cuộc họp báo về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020.
                
   

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì họp báo - Ảnh: H.THOAN

   

Giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 3,58%

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, về nguyên tắc, chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Đoàn kiểm tra cũng tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Còn chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc công ty TNHH MTV hạch toán độc lập với EVN được xác định thông qua hợp đồng mua bán điện. Chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN được xác định căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận.

Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh. So với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện đạt khoảng 365 tỷ m3, thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm 2017. Vì vậy, sản lượng điện từ thủy điện năm 2018 thấp hơn năm 2017, còn sản lượng điện huy động từ các nguồn điện khác như nhiệt điện than, tua bin khí, năng lượng tái tạo… cao hơn so với 2017.
         
Ngoài yếu tố nước về các hồ chứa thủy điện thấp, còn có nhiều yếu tố làm tăng giá thành sản xuất kinh doanh điện, như: giá than- giá than nội địa ổn định nhưng giá than nhập khẩu tăng mạnh tới hơn 20%; giá dầu cũng tăng bình quân trên 20%; giá khí cũng tăng do giá dầu HSFO (dùng để tham chiếu tính giá khí thị trường) tăng khoảng 31,9%, làm tăng chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện… Cùng với đó là yếu tố biến động tỷ giá, nhiều khoản thuế và phí phải nộp đều tăng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo là 296,11 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.322,81 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,88 đồng/kWh.


Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Tuy nhiên, EVN vẫn còn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo lại chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 là 3.090,9 tỷ đồng.
         
Với sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017, doanh thu bán điện của EVN năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, khoản tỷ giá được treo lại hiện chưa có nguồn trả, phải chờ phương án giá điện năm tới khi được phê duyệt mới có thể hạch toán được.Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn mạnh: “Khi có phương án giá điện mới mới hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá này và nếu hạch toán sẽ ảnh hưởng đến giá điện trong thời gian tới”.



Năm 2020 dự kiến huy động gần 3,4 tỷ kWh điện chạy dầu

Bộ Công Thương đánh giá, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc năm 2019 ước đạt 239,739 tỷ kWh, tăng trưởng 8,93% so với năm 2018.
                
   

Quang cảnh họp báo - Ảnh: H.THOAN

   

Dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.

Trong năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến ngành điện phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô (từ tháng 3-6/2020) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.

Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho EVN và các Tập đoàn Dầu khí, Than - Khoáng sản cùng các đơn vị liên quan đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu cho nhu cầu phát điện. Đặc biệt Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiên liệu than...

H.THOAN
Cùng chuyên mục
  • Thu thuế xuất nhập khẩu sớm cán đích nhờ dầu thô và ô tô nhập khẩu
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sáng 18/12, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tổ chức Họp báo chuyên đề về kết quả và các giải pháp thu ngân sách, thu hồi nợ thuế.
  • Ngành thép Việt có bị ảnh hưởng trước việc Mỹ áp thuế 456%?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Liên quan tới thông tin Mỹ áp thuế đến 456% với thép nhập khẩu xuất xứ Việt Nam, các doanh nghiệp và chuyên gia ngành thép cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.
  • Dự kiến nâng trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp lên 30%
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (Nghị định 20). Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12 để áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019.
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục  “hút” vốn từ M&A
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vừa qua, thị trường hàng tiêu dùng - bán lẻ trong nước “dậy sóng” bởi thương vụ “bắt tay” được coi là đình đám của năm giữa Vingroup và Masan. Giới chuyên gia kỳ vọng, DN mới được tạo nên từ thương vụ này sẽ là DN lớn và tiếp tục phát triển vững mạnh để đem đến làn gió mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
  • Phác họa thực trạng và xu hướng dòng vốn cho doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay, các dòng vốn DN có thể huy động khá đa dạng, bao gồm: vốn từ ngân sách; từ các đối tác của DN, các quỹ đầu tư nước ngoài; vốn tín dụng; thị trường chứng khoán và vốn tự có của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ cấu vốn ngân hàng ngày càng giảm, các DN cần quan tâm hơn đến việc huy động vốn trung và dài hạn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu và từ các quỹ đầu tư… để đảm bảo tăng trưởng của DN khoảng 15 - 20%/năm.
EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện năm 2018, chưa hạch toán được hơn 3.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá