Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi

(BKTO) - Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã có nhiều nỗ lực “vượt sóng” Covid-19, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục kiên cường, chủ động tìm giải pháp thích ứng để có thể phục hồi nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của dịch Covid-19”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 14/11.

20221114_141424.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - cho biết, đại dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Theo đó, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực/hết sức tiêu cực từ dịch bệnh. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết doanh thu bị sụt giảm, kinh doanh bị thua lỗ tăng mạnh so với nhiều năm trước.

Cụ thể, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Sang đến năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi giảm xuống còn 53,2% và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi tiếp tục giảm xuống còn 42,7% và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng lên mức 39,2%.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một điểm đáng mừng là trong bối cảnh đại dịch, mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ, nhưng tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã nỗ lực rất lớn trong việc chung sức đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Cũng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thời gian qua, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, hiện nay, trong quá trình phục hồi, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn tín dụng, ứng phó với những biến động của thị trường… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên cường hơn nữa để có thể trụ vững trên thị trường.

Từ thực tế trên, đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có điều kiện phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, các địa phương cần có những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua đó nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin và quy trình, thủ tục áp dụng…

Từ góc nhìn quốc tế, bà Majdie Hordern - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam - cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thiết kế những chính sách hỗ trợ riêng phù hợp hơn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Về phần mình, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả để thích ứng với những biến động của thị trường trong và ngoài nước; đồng thời có những cách tiếp cận các nguồn tài chính một cách linh hoạt hơn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi