Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận về vai trò và sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Đáng chú ý, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không chỉ góp phần tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế đất nước, mà còn đóng góp đáng kể trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Tại Hội thảo tham vấn về sách trắng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - cho biết Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã xác định nhiều nội dung.
Trong đó nêu rõ phải “xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân…”.
Có thể nhận thấy, trong lĩnh vực kinh tế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và phát huy sức sáng tạo, thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nữ được ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và nhiều chính sách của các Bộ, ngành đã lồng ghép yếu tố giới. Điều này giúp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, hiện chưa có bộ số liệu, cơ sở dữ liệu chính thống có quy mô quốc gia để có thể đánh giá phân tích bức tranh toàn cảnh một cách toàn diện về khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, đưa ra các tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong tổng điều tra kinh tế, từ đó xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.
Đây là những kết quả có ý nghĩa phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ phát triển có liên quan trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.
Từ những phát hiện chính về tổng quan các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam và các rào cản mà doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phải đối mặt, TS. Adam McCarty - Chuyên gia Quốc tế của ADB đã đưa ra nhiều khuyến nghị.
Cụ thể như cần tiếp tục đưa vấn đề giới vào các văn bản pháp luật và đo lường dữ liệu phân theo giới tốt hơn; tăng cường nhận thức về thành công của phụ nữ trong kinh doanh.
Đồng thời hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nhân nữ phát triển kinh doanh, bao gồm chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp chính thức, mở rộng thị trường và chuỗi giá trị.
Cùng với đó là tăng cường năng lực và kiến thức kinh doanh của phụ nữ; cải thiện tiếp cận thông tin pháp luật và dịch vụ tư vấn cũng như nhận thức về các phương án hỗ trợ kinh doanh, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.