Nâng cao khả năng liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại

(BKTO) - Thời gian qua, Việt Nam được khá nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn là một điểm đến để đặt nhà máy sản xuất và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng liên kết của các DN nội với DN ngoại, từ đó giúp DN Việt tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

z4244624736674_945aff769ffc56e4b7c493ac3589b8dc.jpg
Mối liên kết giữa các DN nội và DN ngoại chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Mối liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại còn nhiều hạn chế

Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến - chế tạo của Việt Nam ngày càng tăng, mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc liên kết với các DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Trên thực tế, nhiều kết quả khảo sát cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực về mối liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI, khi nhiều DN Việt đã trở thành đối tác, nhà cung cấp nguyên liệu cho các DN ngoại. Đơn cử, theo một kết quả khảo sát từ gần 1.200 DN FDI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện gần đây cho thấy, trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), các DN FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Cụ thể, tỷ lệ DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các DN tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 49,2% vào năm 2017 xuống 38,3% vào năm 2021. Cùng với đó, DN FDI cũng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn, cụ thể, năm 2021, có 22,6% DN FDI sử dụng nhà cung cấp từ nước thứ ba, tỷ lệ này ở thời điểm năm 2017 là 26,6%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các DN FDI đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam nhiều hơn. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ DN tư nhân trong nước là nhà cung cấp cho DN FDI ở mức 62,5%; đến năm 2021, tỷ lệ này vẫn giữ ở mức cao (gần 53%).

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo nhiều chuyên gia, mối liên kết giữa các DN nội và DN ngoại vẫn còn những hạn chế nhất định và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, hạn chế lớn nhất đó là số lượng DN Việt Nam là nhà cung cấp cho các DN FDI vẫn còn khá khiêm tốn. Đơn cử, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, nước ta có khoảng 5.000 DN chế biến - chế tạo tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước; chỉ có 8% DN cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% DN là tham gia cung cấp cho cả hai.

Hạn chế nữa được ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN, VCCI chỉ ra đó là phần lớn DN Việt chưa định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI. Cụ thể, theo một kết quả khảo sát từ hơn 500 DN xuất khẩu lớn của Việt Nam do VCCI thực hiện cho thấy, có tới 64,7% DN chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và 53,3% DN không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu… “Tình trạng DN Việt còn thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng như hiện nay đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng trở thành đối tác của các DN ngoại” - ông Huân nhấn mạnh.

Cần hình thành những doanh nghiệp “đầu tàu” để kết nối với doanh nghiệp ngoại

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia. Đơn cử, ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho biết, theo một kết quả khảo sát từ hơn 1.300 DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam do EuroCham thực hiện gần đây, có tới 41% DN cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ nước khác sang Việt Nam. Hay vào hồi cuối tháng 3 vừa qua, đoàn hơn 50 DN lớn của Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực đã đến Việt Nam để làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, đã góp phần mở ra triển vọng về gia tăng thu hút nguồn vốn FDI trong tương lai gần… Từ thực tế đó, theo các chuyên gia, yêu cầu nâng cao khả năng liên kết giữa các DN Việt Nam và DN FDI được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa DN Việt “chen chân” sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, đưa khuyến nghị cụ thể, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục gia tăng các cơ chế hỗ trợ để kết nối các DN nội địa với các DN FDI đang tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước; cũng như có sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các DN nội để đáp ứng yêu cầu của các DN ngoại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những cơ chế, chính sách để tập trung hỗ trợ những DN mạnh, trở thành những DN “đầu tàu”, sau đó các DN này sẽ có vai trò dẫn dắt, kết nối với các DN khác để trở thành các DN vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI…

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, về phía DN, theo các chuyên gia, để có thể kết nối được với các DN FDI và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, các DN Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đảm bảo một cách xuyên suốt, ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời phải phấn đấu để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, xu thế phát triển bền vững đang dần trở thành hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay, ngoài yêu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn thì sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, các DN Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các DN ngoại khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của họ…/.

Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, khoảng 30% DN hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công; trên 50% DN có sử dụng thiết bị bán tự động; hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hóa trong dây chuyền sản xuất. Với thực tế đa số DN Việt chưa bắt kịp được sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một nguyên nhân cản trở DN trở thành đối tác của các DN ngoại.

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh

Cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại