Doanh nghiệp lớn vẫn đối đầu với nhiều thách thức

(BKTO) - Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, rất nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng 9 tháng đầu năm 2023; số doanh nghiệp có tăng trưởng nhẹ về doanh thu và lợi nhuận chỉ chiếm chưa đầy 5%.

doanh-nghiep.jpg
Các doanh nghiệp lớn vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: TTXVN

Kinh tế tăng trưởng chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp

Năm 2023, những thách thức dai dẳng và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã tạo ra áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp lớn do đồng thời phải chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và khó khăn nội tại bên trong.

Điểm lại những khó khăn trong thời gian qua, trên thang điểm 5, các doanh nghiệp lớn được khảo sát chia sẻ Top 5 khó khăn gồm: Kinh tế tăng trưởng chậm (4,22), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (4,17), Cầu tiêu dùng yếu (4,06), Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào (3,79) và Sức ép từ tỷ giá gia tăng (3,75).

Sau hơn hai năm bị xói mòn sức chống chịu bởi Covid-19, chưa kịp hồi sức, doanh nghiệp đã bước sang giai đoạn 2022-2023 với sự bất định trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, vượt qua khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, liền sau đó là thách thức không nhỏ từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.

Từ đầu năm đến nay, đà tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng đã đè nặng thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, đồng thời khuếch đại tác động từ các khó khăn khác như cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành hay nhu cầu tiêu dùng yếu, sức ép từ tỷ giá, môi trường lãi suất cao…

Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cầu tiêu dùng yếu là khó khăn lớn trong năm ghi nhận mức tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm 2022 (từ 2,97 điểm lên 4,06 điểm trên thang điểm 5).

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức tăng tiêu dùng cuối cùng 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 đạt 3%, trong khi mức tăng tương ứng của 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 là 7,3%.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy 26,2% số doanh nghiệp sụt giảm về số lượng đơn hàng trong ba quý đầu năm (+20,1% số doanh nghiệp so với kết quả khảo sát năm 2022).

Nhận định về thời gian tác động của các yếu tố, phần lớn doanh nghiệp lớn chia sẻ rằng hơn một nửa những khó khăn nêu trên sẽ giảm dần tác động và có thể cải thiện trong nửa đầu năm 2024.

Tuy nhiên, các yếu tố ngoại lệ là bất ổn chính trị trên thế giới, cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm đơn hàng nhiều khả năng kéo dài tới cuối năm sau mới khả quan hơn, trong khi bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành được dự báo sẽ tiếp diễn theo hướng ngày càng khốc liệt. 

Tin tưởng triển vọng 2024 sáng sủa hơn

Dưới tác động của những khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp có góc nhìn khá thận trọng về mức tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kịch bản tăng trưởng từ 4,5-5% là kịch bản có số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 34,2%.

Mặc dù bối cảnh thế giới cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam chưa thể phục hồi ngay và vẫn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, song tín hiệu khả quan tháng sau tích cực hơn tháng trước đã nhen nhóm xuất hiện và quỹ đạo phục hồi đã dần hình thành.

ghep-chung.jpg
Doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào triển vọng kinh doanh 2024. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo phân tích của các chuyên gia Vietnam Report, trong bối cảnh các tín hiệu tích cực dù chưa mạnh mẽ nhưng đã dần xuất hiện. Thêm vào đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch, triển vọng trong năm 2024 được đa số các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.

Kết quả khảo sát ghi nhận 63,6% số doanh nghiệp bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm tới. Về phía bản thân doanh nghiệp, tỷ lệ lạc quan có thấp hơn một chút, với 51,1% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023.

Ở chiều ngược lại, vẫn có lần lượt 34,1% và 28,9% số doanh nghiệp nhận định khó khăn sẽ còn bủa vây nền kinh tế và doanh nghiệp trong khi tình hình chưa thể có nhiều cải thiện trong vòng một năm tới.

Để tạo đà phát triển trong tương lai, một số giải pháp trọng tâm được các doanh nghiệp lớn kiến nghị tới Chính phủ gồm: tiếp tục gia hạn và giảm thuế; kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô; rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện các gói tín dụng ưu đãi; hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin.

Về phía các doanh nghiệp, trong thời điểm thị trường bấp bênh, doanh nghiệp sẽ càng chú trọng vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn rằng trong năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội làm điểm tựa cho thị trường, tạo niềm tin cho người đầu tư, làm tiền đề phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường.

Với 71,1% số doanh nghiệp bình chọn, những chính sách ưu đãi thuế được doanh nghiệp kỳ vọng giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trung bình và nhỏ. Đây được xem là hình thức hỗ trợ trực tiếp hiệu quả và là giải pháp hàng đầu mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị với Chính phủ.

Nhờ đó, doanh nghiệp giảm bớt được số tiền phải nộp ngân sách để bổ sung vào nguồn vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào nhân sự và công nghệ. Với các doanh nghiệp, việc hiểu rõ và tận dụng các “liều thuốc" chính sách ưu đãi thuế là một cơ hội lớn để tối ưu hóa hiệu suất tài chính, phục hồi, phát triển kinh doanh và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi, việc tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “gõ cửa” các thị trường mới tiềm năng cũng không kém phần quan trọng.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp lớn vẫn đối đầu với nhiều thách thức