Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Họp báo công bố kết quả “Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022”, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Hà Nội vào chiều 13/02.
Khảo sát trên được JETRO thực hiện từ ngày 22/8 - 21/9/2022, với sự tham gia trả lời của 4.392 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Đại Dương; trong đó có 603 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam.
Chia sẻ cụ thể về kết quả khảo sát, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là 59,5% (tăng 5,2% so với năm 2021); tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8% so với năm 2021).
Về mức độ cải thiện/suy giảm triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 so với năm 2021, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 47,6%; số doanh nghiệp trả lời “suy giảm” là 22,6%.
Lý do chính dẫn đến sự cải thiện được các doanh nghiệp chia sẻ là do nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch và tác động từ các chính sách nới lỏng hạn chế đi lại, mở cửa nền kinh tế. Trong khi đó, lý do dẫn đến sự suy giảm chủ yếu là do chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí logistics, nhân công… tăng và biến động tỷ giá.
Với triển vọng lợi nhuận phục hồi, kinh doanh thuận lợi hơn, kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẵn sàng mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, 60% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới (tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2021), cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (40,3%), Indonesia (47,8%) hay Myanmar (11,7%).
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ “thu hẹp” hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc chuyển sang quốc gia, vùng lãnh thổ thứ ba chỉ có 1,1% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm trước). Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định thu hẹp, rút lui hoặc chuyển hoạt động sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác khá cao, như tại Myanmar, tỷ lệ này lên tới 30,9 %.
Về phương châm mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam xét theo ngành nghề, số doanh nghiệp trả lời mở rộng ở ngành chế tạo là 54,4%; ngành phi chế tạo là 65,9%. Đặc biệt trong ngành phi chế tạo, số doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tăng mạnh.
Theo JETRO, những lý do chính khiến các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là bởi Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao; thị trường xuất khẩu được mở rộng; sức mua tại thị trường nội địa ngày càng tăng…
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong chiến lược triển khai kinh doanh thời gian tới, một số yếu tố được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm bao gồm: xem xét lại chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên vật liệu; xem xét lại chuỗi sản xuất (nhất là tăng cường đầu tư mới trang thiết bị, máy móc; thúc đẩy tự động hóa, số hóa, hạn chế lao động…); xem xét lại hệ thống quản lý, kinh doanh; thay đổi số nhân viên làm việc ở nước ngoài và số nhân viên nước sở tại…
Đơn cử, hơn một nửa số doanh nghiệp (56,5%) cho biết họ dự định xem xét lại nguồn thu mua nguyên vật liệu trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn thúc đẩy thu mua nguyên vật liệu từ nội địa để ứng phó với các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng./.