Doanh nghiệp thực hành ESG để phát triển bền vững

(BKTO) - Thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp (DN) khi vấn đề phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, DN cần chủ động thay đổi để đáp ứng “luật chơi” quốc tế.

15.jpg
Thực hành ESG sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất hoạt động. Ảnh minh họa

Nhiều lợi ích

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc thực hành ESG để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng đang dần trở thành hoạt động quan trọng của các DN Việt Nam. Theo đó, việc thực hành ESG tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN. Cụ thể, theo PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, cũng như thực hành ESG sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất hoạt động, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thực hành ESG còn là cơ hội giúp DN biến trách nhiệm tuân thủ trở thành những giá trị mới, tạo nên lợi thế cho DN, từ đó giúp DN nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu trên thị trường; đồng thời đóng góp vào việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng chú trọng và đặt ra nhiều tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa” thì việc thực hành ESG, nhất là về khía cạnh môi trường, xã hội, trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các DN Việt để có thể tham gia vào “sân chơi” toàn cầu…

Theo một nghiên cứu của Công ty PwC Việt Nam về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam, trong năm 2023, có 44% DN đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết thực hành ESG; 36% DN đang ở giai đoạn lập kế hoạch thực hành ESG cho 2-4 năm tới.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thực hành ESG, trên thực tế thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã chủ động hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh đi theo xu hướng này và đã thu được nhiều lợi ích khá tích cực.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, trong những năm gần đây, Vinatex đã chú trọng áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất, đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn. Kết quả thu được là, năm 2023, lượng điện sử dụng trên một đơn vị sản phẩm giảm 2% so với năm 2022; lượng chất thải nguy hại giảm 84% so với năm 2022...

Tương tự, từ ngành hàng sản xuất lúa gạo, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - chia sẻ, với triết lý kinh doanh “Cùng nông dân phát triển bền vững”, trong thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời luôn đi tiên phong trong các chương trình bảo vệ môi trường, sản xuất xanh và phát thải carbon thấp. Theo đó, với việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất xanh, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, hiện tổng chi phí sản xuất của Tập đoàn giảm 9%; trong đó: Chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, chi phí phân bón giảm 5%, chi phí tiêu thụ nước giảm 7%. Cùng với đó, năng suất sản xuất của Tập đoàn tăng 1% và tăng 2% về doanh thu; sản phẩm đầu ra có thể trội giá 1% so với canh tác truyền thống…

Cũng trao đổi về những kết quả của việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Heineken Việt Nam - cho biết, hiện tại, 6/6 nhà máy bia của Công ty đều đang sử dụng năng lượng sinh khối với đầu vào là các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp như: Vỏ trấu, mùn cưa. Bên cạnh đó, để tối đa hóa kinh tế tuần hoàn, toàn bộ các phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất các sản phẩm đều được tái chế, tái sử dụng hoặc được xử lý để trở thành sản phẩm đưa vào chuỗi giá trị khác, ví dụ như: Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được xử lý trở thành phân bón và đất sạch; bã bia, men thừa được xử lý thành thức ăn chăn nuôi…

Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất hoạt động, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thực hành ESG còn là cơ hội giúp DN biến trách nhiệm tuân thủ trở thành những giá trị mới, tạo nên lợi thế cho DN, từ đó giúp DN nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu trên thị trường.

PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Song vẫn còn không ít thách thức…

Mặc dù những lợi ích của việc thực hành ESG là khá rõ, tuy nhiên, theo nhiều DN, để triển khai áp dụng ESG DN cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam - chia sẻ, một trong những thách thức lớn nhất khi áp dụng ESG là sự thay đổi trong quy trình sản xuất và quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực thực hiện…, do đó, đây là bài toán khó đối với nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HHP Global - cũng cho hay, khi theo đuổi mục tiêu ESG, DN cũng gặp khá nhiều rào cản. “Để áp dụng các tiêu chuẩn ESG, chi phí đầu tư của DN đã tăng lên đáng kể khi đơn vị phải đầu tư xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn công trình xanh (LEED). Song song với đó là vấn đề con người, DN phải tập trung đào tạo nhân sự, nâng cao nhận thức về ESG trong toàn bộ tổ chức để đảm bảo việc triển khai thực hành ESG được thông suốt...” - bà Phương nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện nay, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến ESG cũng chưa thực sự đầy đủ, khiến các DN còn gặp khó khăn trong việc lồng ghép ESG trong chiến lược phát triển của DN, cũng như đo lường, đánh giá được kết quả thực hiện để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp…

Từ thực tế trên, để thúc đẩy DN thực hành ESG mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thực hành ESG để DN có được bộ công cụ, tiêu chí áp dụng thuận tiện. Bên cạnh đó, Nhà nước cần gia tăng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN thực hiện chuyển đổi xanh, thực hành ESG, nhất là các chính sách về tài khóa, tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…

Về phía DN, bản thân các DN cũng cần chủ động đề ra kế hoạch, lộ trình thực hành ESG gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển lâu dài của DN. Trong đó, DN cần nhìn nhận thực hành ESG không phải là gánh nặng về chi phí mà cần coi đó là khoản đầu tư và đầu tư để thu lại lợi ích. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh để đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội, DN cần gắn với chuyển đổi số, bởi việc tích hợp các công nghệ số vào các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, từ đó tối ưu hóa lợi ích cho DN./.

Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Hơn 2 năm thực hiện, quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) đã đẩy nhanh hơn công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn ĐTC đối với dự án hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, nên cần đánh giá các quy định này để điều chỉnh quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán cho phù hợp.
  • Triển vọng thị trường chứng khoán trung và dài hạn vẫn tích cực
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo đánh giá, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Thêm vào đó, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong nâng hạng cũng sẽ được cụ thể hóa hơn.
  • Chính phủ cần rà soát kỹ về cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh khả năng bố trí vốn của địa phương còn khó khăn, phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) chưa đủ hấp dẫn, Chính phủ cần rà soát kỹ về cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, cũng như tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức PPP. Đây là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh khi thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
  • Ngành ngân hàng có phát huy cơ hội tăng trưởng?
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bước sang năm 2024, mức đáy lãi suất đã được ghi nhận khi lạm phát cơ bản ổn định. Các chuyên gia cho rằng, việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt năm nay là cần thiết để kích thích tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn luân chuyển, nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng của nền kinh tế.
  • Ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên
    2 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Văn bản số 4932/NHNN-TT ngày 13/6/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên.
Doanh nghiệp thực hành ESG để phát triển bền vững