Doanh nghiệp vẫn loay hoay tuyển lao động

(BKTO) - Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) đã dần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng gần đây, dù “tung” nhiều chính sách cũng như đăng quảng cáo, thậm chí đi tuyển dụng trực tiếp, không ít DN vẫn chưa tuyển đủ lao động.



                
   

Nhiều DN đang cần tuyển dụng số lượng lao động lớn để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Internet

   


Cầu nhiều, cung ít

Thời điểm này đang là giai đoạn cao điểm nên phần lớn DN đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực để sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Khảo sát sơ bộ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP. Hà Nội cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có mức lương từ 6 - 15 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm làm thêm và phúc lợi) khá nhiều. Cụ thể, Công ty TNHH May Đức Giang tuyển 50 công nhân may, lương từ 7,5 - 15 triệu đồng/tháng; Công ty Cổ phần May Sài Đồng tuyển 30 thợ may, thợ là, thợ cắt với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Công ty Cổ phần 26, Bộ Quốc phòng tuyển 100 công nhân sản xuất giày da, mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Tổng Công ty May 10 cũng đang có nhu cầu tuyển 200 công nhân may, cắt, là và các nhân viên sale, lễ tân, phụ bếp, phụ bàn; DN này trả lương công nhân may, cắt, là từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, nhân viên các vị trí khác từ 6 - 15 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Tuyết Trinh - Trưởng Phòng Nhân sự Aeon Việt Nam - cho biết, việc tuyển nhân viên bán hàng tại siêu thị đang gặp thách thức khi người lao động (NLĐ) có nhiều cơ hội lựa chọn công việc với giờ giấc linh hoạt và thu nhập tương đương. Trong khi đó, giai đoạn cuối năm nay, với khối vận hành, Aeon Việt Nam cần khoảng 1.000 nhân viên chính thức và khoảng 2.000 vị trí thời vụ.

Không chỉ nguồn cung lao động phổ thông khan hiếm mà lao động có kỹ năng, chuyên môn cũng đang thiếu trên diện rộng. Đơn cử, tại Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thực phẩm xanh, mặc dù Ban lãnh đạo đã đề ra mức lương khá hấp dẫn, từ 15 - 30 triệu đồng/tháng cùng với chế độ thưởng theo năng suất, tham quan du lịch… nhưng DN này vẫn không thể tuyển đủ số nhân lực như kỳ vọng.

Không riêng Công ty Thực phẩm xanh, đây còn là tình trạng chung hiện nay của nhiều DN. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng quý I thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.

Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc làm tốt - cho biết, các dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy, tình trạng khan hiếm lao động ngày càng rõ nét. Ngay từ tháng 3, các công việc như bán hàng, nhân viên khách sạn, nhà hàng, công nhân, shipper... bắt đầu khan hiếm người ứng tuyển.

Giải bài toán thiếu hụt lao động

Trước thực trạng khan hiếm lao động, tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, hiện Trung tâm DVVL Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu của những lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, Trung tâm sẽ lọc ra từng lao động có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu; từ đó liên hệ với họ qua email, zalo để kết nối cung cầu lao động.

Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp với các DN để họ xuống tận phường xã tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL Hà Nội còn kết nối với những Trung tâm DVVL các tỉnh lân cận để giới thiệu DN đến tuyển dụng lao động phổ thông.

Giải pháp trên, theo các chuyên gia, đã tạo sự kết nối giữa NLĐ và DN, từ đó rút ngắn việc tuyển dụng nhân lực cho DN. Tuy nhiên về lâu dài, cần những giải pháp mang tính chiến lược hơn.

Thực tế, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, làn sóng chuyển dịch lao động đã bùng nổ, tạo ra đứt gãy nguồn nhân lực giữa các vùng, địa phương rất lớn. Sau thời gian “chạy dịch” về quê, nhiều lao động đã tìm thấy cơ hội phát triển ở quê nhà nhờ chính sách phi tập trung hóa khu công nghiệp.

Muốn giữ chân NLĐ, các DN cần quan tâm hơn để đời sống công nhân, lao động tốt hơn trước dịch; DN và NLĐ phải có suy nghĩ tương đồng, nhất là vấn đề phúc lợi.

Ngoài chế độ lương cơ bản, DN cần bổ sung lương gián tiếp, thưởng hiệu quả. Đồng thời, phụ cấp đi lại, ăn uống, sinh hoạt; bảo hiểm y tế, sức khỏe hậu Covid-19... là những giải pháp cần thiết để thu hút nguồn lao động về quê quay trở lại với DN.

“Để vực dậy nguồn nhân lực sau đại dịch, một trong những yếu tố then chốt là phải xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa làm việc đa dạng, bao trùm, có sự gắn kết chặt chẽ với bình đẳng giới”, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Đây chính là nền tảng quan trọng giúp DN phát triển bền vững và cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới mà Việt Nam đang hướng đến”.

Cũng theo ông Thành, nhìn lại đợt dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy, những DN nào hướng đến xây dựng và phát triển bền vững, thực hiện tốt bình đẳng giới đã vượt qua đại dịch khá tốt, khả năng chống chịu cũng cao hơn. Do đó, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội là giải pháp quan trọng để DN hóa giải bài toán thiếu hụt lao động./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp vẫn loay hoay tuyển lao động