Thị trường XKLĐ đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Internet |
Cung không đủ cầu
Dù đã có sự chuẩn bị trước đó về nguồn lực khi dịch Covid được kiểm soát nhưng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu - ông Ngô Bá Quyết - không thể ngờ thị trường XKLĐ lại hồi phục mạnh mẽ như vậy.
Từ thị trường Đài Loan đến Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng chỉ tiêu với nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Không chỉ tăng chỉ tiêu tuyển dụng mà hầu hết các lĩnh vực đều tăng lương và ưu đãi hơn so với trước kia. Dù vậy, việc tuyển dụng nguồn nhân lực vẫn không đủ cung ứng cho các đơn hàng.
Với lợi thế chi phí xuất cảnh thấp, đơn hàng tốt, thu nhập cao, thậm chí người lao động còn được “nợ” phí xuất cảnh, Năm Châu luôn là cái tên được người lao động chọn lựa. Thế nhưng theo ông Ngô Bá Quyết, riêng tháng 5 và nửa đầu tháng 6, Công ty đã bị mất rất nhiều đơn hàng do không tuyển đủ số lượng lao động như đối tác yêu cầu.
Cung không đủ cầu không chỉ là câu chuyện của Năm Châu mà còn là tình trạng chung của nhiều DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay.
Chia sẻ về hoạt động XKLĐ 6 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết: Sau thời kỳ bùng phát, tình hình dịch Covid-19 đã có nhiều dấu hiệu “hạ nhiệt”, đặc biệt là thời điểm giữa năm 2022. Điều này kéo theo nhiều tín hiệu tốt trong phát triển thị trường lao động ngoài nước.
6 tháng đầu năm, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài đạt 51.677 người. Trong đó, thị trường Nhật Bản với nhiều khởi sắc dẫn đầu về số lượng với hơn 32.000 lao động, tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc) với 15.633 lao động, Hàn Quốc là 1.209 lao động.
Thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sau khi mở lại cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp.
Đến thời điểm này, số lượng lao động mà các DN phái cử đã đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước là hơn 80.000 người.
“Năm 2022 sẽ là năm “bội thu” của hoạt động XKLĐ. Điều đáng mừng không phải là số lượng ra nước ngoài làm việc nhiều mà là cả người lao động và DN phái cử đều đã biết chọn những thị trường có nhiều lợi ích như: thu nhập cao, cơ hội học tập tốt” - ông Liêm nhận định.
Nỗ lực đáp ứng nhu cầu của thị trường
Dù mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài khả năng cao sẽ cán đích song hiện nay, ngoài việc ổn định thị trường lao động truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang từng bước định hướng mở rộng những thị trường mới, tiềm năng như một số nước châu Âu, Australia, Canada... để người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn. Đây là những thị trường hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Mới đây nhất là việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia để đưa lao động Việt Nam sang nước này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương có thể lên đến 66 triệu đồng mỗi tháng.
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển thị trường XKLĐ. Ảnh:Internet |
Tuy nhiên, để nâng cao vị thế lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có chính sách thu hút, thúc đẩy, phát triển ngành nghề, kỹ năng mà các nước cần thiết trong tương lai hoặc đang hướng tới hiện nay như cơ khí, đóng tàu, kỹ thuật ô tô, điện tử.
Đặc biệt, đối tượng làm điều dưỡng rất cần vì các nước thiếu người hỗ trợ người bệnh trong các nơi điều trị. Nhà nước cũng cần chủ động hỗ trợ DN đưa lao động đi nước ngoài để 3 nhà gồm: Nhà trường, DN và Nhà nước cùng đạt được lợi ích.
Đề cập vấn đề này, ông Liêm cho biết, hiện chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình...
Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu đối với lao động nhập cảnh, đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ... Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối phù hợp với quy chuẩn nước họ.
Như vậy, các chính sách cũng như yêu cầu về lao động của các nước đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn lực, nắm bắt nhu cầu thị trường để tiếp tục phục hồi và phát triển hoạt động XKLĐ trong thời gian tới./.