Tỷ lệ doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp cho doanh nghiệp ngoại gia tăng
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tựu trong thu hút FDI, khi quy mô nguồn vốn, số lượng dự án không ngừng tăng lên. Cùng với đó, một tín hiệu đáng mừng là mức độ liên kết, tính lan tỏa giữa khu vực DN FDI và DN trong nước đang ngày càng có những chuyển biến tích cực, biểu hiện là các DN FDI đang lựa chọn nhà cung ứng là các DN Việt ngày một nhiều hơn. Cụ thể, một kết quả khảo sát từ hơn 1.540 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố cho thấy, tỷ lệ DN tư nhân trong nước là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các DN FDI đã tăng từ mức 63,32% vào năm 2022 lên mức 75% vào năm 2023. Tương tự, các nhà cung cấp là hộ kinh doanh cũng ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các DN FDI với mức tăng từ 13,42% vào năm 2022 lên 23,42% vào năm 2023. Đối với các nhà cung cấp là DN nhà nước cũng có sự gia tăng từ mức 5,74% của năm 2022 lên mức 9,97% vào năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 11,07 tỷ USD vốn FDI. Tính lũy kế đến tháng 5/2024, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn FDI đăng ký đạt 481,33 tỷ USD.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến chuyển biến tích cực trên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, một phần đến từ những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI kết nối với các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngoài ra cũng có yếu tố các DN FDI đang dịch chuyển tìm nguồn cung hàng hóa đầu vào từ thị trường Việt Nam để giảm thiểu những tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo ông Tuấn đó là, năng lực nội tại của các DN Việt đang ngày càng được nâng lên, từ đó DN có thể đủ sức “bắt tay” với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài, chia sẻ tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đầu tháng 5 vừa qua, ông Park Hark Kyu - Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung - cho biết, vào năm 2014, chỉ có 25 DN Việt Nam cấp 1 và cấp 2 tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, đến nay con số này đã tăng 12 lần, lên 309 DN. Trong thời gian tới, dự kiến mỗi năm Samsung sẽ đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD và với đà gia tăng nhà cung cấp là các DN Việt trong thời gian qua, Tập đoàn kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung trong thời gian tới.
Cần tiếp tục nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt
Các chuyên gia cho rằng, việc các DN Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp của các DN FDI ngày một nhiều hơn là tín hiệu rất đáng mừng; tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận mối liên kết giữa các DN nội và DN ngoại vẫn chưa được như kỳ vọng, các DN trong nước vẫn chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của các DN ngoại, bởi các DN Việt vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục cải thiện.
Cụ thể, theo các chuyên gia, thông thường các DN FDI sẽ quyết định lựa chọn đối tác Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí chính, bao gồm: Cơ sở vật chất, năng lực cung ứng, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ. Trong khi đó, đối với các DN Việt Nam, các yếu tố trên vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như về trình độ công nghệ, phần lớn các DN Việt có quy mô vừa và nhỏ nên chủ yếu vẫn sử dụng những công nghệ trung bình, thậm chí nhiều DN còn sử dụng những công nghệ lạc hậu, thiếu công nghệ hiện đại, công nghệ cao, có nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với DN FDI. Đối với năng lực cung ứng, các DN FDI thường tìm đối tác đáng tin cậy và có khả năng cung cấp hàng hóa chất lượng, đúng thời gian, đảm bảo đúng các yêu cầu theo hợp đồng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu vắng các nhà cung cấp tiềm năng có đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả… của các tập đoàn đa quốc gia.
Từ thực tế trên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI trong thời gian tới, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, vai trò chủ động của các DN Việt vẫn là quan trọng nhất, theo đó các DN cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đảm bảo một cách xuyên suốt, ổn định chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng; phấn đấu để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế…, nhằm đáp ứng yêu cầu của các DN ngoại. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, các DN FDI, tập đoàn đa quốc gia đang chú trọng và lựa chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh, do đó, các DN trong nước cũng cần chủ động đẩy mạnh chuyển đổi xanh hoạt động sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, để gia tăng cơ hội thành công trong quá trình kết nối hợp tác với DN ngoại.
Bên cạnh đó, để liên kết được với khu vực DN FDI, vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng, do đó, Chính phủ cần tiếp tục tập trung hoàn thiện các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó bao gồm: Các chính sách liên quan về thị trường, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho DN…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là nền tảng quan trọng để các DN trong nước có thể kết nối được với các DN FDI. Muốn vậy, các DN Việt cần tăng cường liên kết với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng đúng yêu cầu của DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN./.