Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế

(BKTO) - “Cần có những giải pháp mạnh mẽ, cải cách thể chế, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý những bất cập liên quan đến thị trường vàng. Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế” - đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29/5.

202405291614572998_z5488013730427_c156b48297335b764deecc7e38d50baa.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Việc đầu tư, cất trữ vàng không có lợi đối với nền kinh tế

Trong một ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, những biến động của thị trường vàng cũng như những bất cập trong công tác quản lý được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) dẫn Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ, giá vàng biến động mạnh, chênh lệch lớn giữa trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có giải pháp dài hạn để quản lý, ổn định thị trường vàng.

Vàng, USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế sẽ dẫn đến hiện tượng “vàng hóa, USD hóa” trong các giao dịch mua, bán trong xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định)

Cho rằng việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước? Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

“Có như thế, tôi tin tưởng thị trường vàng sẽ ổn định chứ không phải lên xuống hàng ngày như hiện nay. Lãi suất tín dụng thấp cũng không hấp dẫn người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng mà mua vàng để dự trữ. Sở dĩ vàng tăng giá do nhu cầu quá lớn, người dân rút tiền ở ngân hàng để mua vàng” - đại biểu Phạm Văn Hòa lý giải.

3.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý các bất cập trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, đặc biệt là đối với thị trường vàng.

“Việc đầu tư, cất trữ vàng, nhất là vàng miếng không có lợi ích và hiệu quả nào đối với nền kinh tế. Vì vậy, cần có những giải pháp mạnh mẽ, cải cách thể chế, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý những bất cập liên quan đến thị trường. Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế” - đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng tăng cao và biến động phức tạp là diễn biến chung của các nước trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã nới rộng và đặc biệt là đối với vàng SJC.

295lmk6-1716987634221649397740-1716987983935-17169879840371372884230.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng. Tuy vậy, đây cũng là một nhiệm vụ rất thách thức trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động cao và phức tạp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cung vàng ra thị trường; đồng thời, thực hiện đấu thầu, với kỳ vọng tăng cung vàng ra thị trường thì giá vàng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu cho thấy chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu, đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân, đồng thời xây dựng phương án mới và bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng. Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm minh bạch hóa các giao dịch trên thị trường vàng; thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn chứng từ của các giao dịch; phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng.

“Nguyên nhân của những biến động trên thị trường vàng cũng không ngoại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá vàng” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

Làm rõ hơn vấn đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ tháng 6/2012, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước và đến nay đã có 25 văn bản, trong đó có những công cụ để can thiệp, bình ổn thị trường vàng, đồng thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai một số giải pháp, song, khi can thiệp vào thị trường vàng thì hiệu quả chưa cao. Do vậy, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn.

"Trước mắt, tiến hành thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách “thực chất” hoạt động của thị trường vàng, qua đó có những giải pháp để xử lý theo quy định pháp luật, đưa thị trường vàng bình ổn theo tinh thần “giá vàng trong nước tiến sát với thị trường thế giới”. Về lâu dài, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP" - Phó Thủ tướng cho biết.

dbhoangvancuong.jpeg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ với báo chí. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định dừng đấu thầu vàng miếng là rất kịp thời. Bởi mục tiêu đấu thầu vàng là để giảm giá vàng, nhưng mục tiêu đấu thầu không đạt được, nên quyết định dừng lại là đúng và cần phải xem lại cơ chế đấu giá.

Để giá vàng trong nước sát giá thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, giá sàn tham chiếu phải lấy giá sàn thế giới quy đổi sang tiền Việt Nam, cộng với thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu để ra giá sàn trong nước. “Doanh nghiệp nào bán sản phẩm cho người tiêu dùng với giá thấp nhất, càng sát giá sàn bao nhiêu thì doanh nghiệp đó sẽ được trúng thầu. Từ đó, người tiêu dùng được mua vàng sát giá thế giới” – đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, người tiêu dùng mua để cất trữ, để bảo toàn về giá trị thì không nhất thiết phải trao tay ngay vàng miếng cho họ, mà nên lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ dự trữ vàng miếng. Như vậy, người tiêu dùng yên tâm vừa mua được vàng với chất lượng tốt, vừa được Nhà nước giữ cho, không sợ mất. Còn lượng vàng trong Ngân hàng Nhà nước lúc nào cũng đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

“Tất cả những người có nhu cầu chính đáng mua vàng để tích lũy thì hoàn toàn được tiếp cận với giá vàng mà do chúng ta đang đấu thầu. Còn những nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu kiếm lợi thì phải sử dụng công cụ thuế để hạn chế bán vàng trao tay” – đại biểu Cường chia sẻ.

Cùng chuyên mục
Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế