Đổi mới cơ chế tài chính y tế cơ sở

(BKTO) - “Vực dậy” và phát huy vai trò hệ thống y tế cơ sở là tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Vì vậy, năm 2018, bên cạnh việc củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế đặt ra là đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) cho y tế cơ sở.



Y tế Việt Nam đang đầu tư ngược

Với quan điểm: “Không ai bị bỏ lại phía sau vì không có chi phí khám chữa bệnh”, hướng tới mọi người dân được tiếp cận, chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách công bằng, tại Hội nghị Triển khai công tác ngành y tế năm 2018 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chỉ có cách tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT mới có thể đạt được điều này.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng chỉ ra những bất cập trong cơ chế tài chính đối với y tế tuyến cơ sở hiện nay. Bộ trưởng cho biết, theo nhận xét của nhiều chuyên gia y tế thế giới, Việt Nam đang đầu tư ngược về y tế so với các nước trên thế giới. Ở các nước bao giờ y tế cơ sở cũng được đầu tư ít nhất 39% chi phí BHYT thì bệnh nhân mới bớt lên tuyến trên. “Đây là sự bất cập trong cơ chế tài chính. Bởi với gói BHYT trước nay thanh toán cho tuyến xã chỉ dưới 100 nghìn và danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật nghèo nàn như vậy thì người dân không tin vào trạm y tế xã, dẫn đến tình trạng vượt tuyến lên tuyến trên, làm quá tải, chi phí lớn, tốn kém thời gian. Với y tế cơ sở như hiện nay, mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân sẽ rất khó để đạt được”- Bộ trưởng nêu thực tế.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, chi BHYT cho y tế tuyến xã chỉ chiếm 3 - 5%. Trong khi chi phí điều trị ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương rất lớn, lên đến tiền triệu thì ở trạm y tế, chi vượt quá 100 nghìn đồng BHYT là không được thanh toán. Nhiều chuyên gia y tế đến Việt Nam cho rằng, đó là cách đầu tư “không thông minh”. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải thông minh hơn, phải đổi mới tư duy theo hướng đầu tư cho trạm y tế xã và bệnh viện huyện nhiều hơn, để giảm bớt chi phí, hạn chế tình trạng vượt tuyến, thay vì tập trung chi cho bệnh viện tỉnh và trung ương, gây tốn kém rất nhiều khi bệnh đã nặng.

Trạm y tế sẽ không chỉ khám “chay”

Đánh giá “y tế cơ sở” như chân kiềng vững chãi trong bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trạm y tế xã, mô hình phòng khám gia đình được coi là sát dân, gần dân nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh của các trạm y tế xã còn yếu, khiến người dân chưa tin tưởng nên gây ra tình trạng vượt tuyến không cần thiết.

Do vậy, năm 2018, ngành y tế xác định sẽ là năm bản lề để thực hiện những thay đổi đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, cùng với việc phấn đấu tiếp tục hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao, năm 2018, Bộ cũng tiến tới hoàn thiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất và tiếp tục thí điểm thanh toán theo trường hợp bệnh. Để hạn chế tình trạng vượt tuyến, ngành y tế sẽ đề xuất các cơ chế về giá, tỷ lệ đồng chi trả để khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã sẽ được triển khai và nhân rộng ra cả nước với mục tiêu: Không đầu tư dàn trải mà đầu tư phải “ra tấm ra món”. Cùng với đó, mô hình phòng khám bác sỹ gia đình sẽ được thúc đẩy tại khu vực thành thị.

Hai mô hình trên sẽ song song với việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe từng người dân; từ đó, góp phần đẩy mạnh quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế. “Trong tương lai, trạm y tế không chỉ khám “chay” mà có thể xét nghiệm máu, siêu âm. Y tế xã cũng là nơi khám chữa bệnh ban đầu, theo dõi một số bệnh mãn tính.”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chuyển những bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…

sau khi đã có chẩn đoán, điều trị theo phác đồ tuyến huyện, tuyến tỉnh thì về tuyến xã nhận thuốc. Chỉ có những thời điểm cần kiểm tra định kỳ, các bệnh nhân này mới lên tuyến trên, để vừa giúp giảm tải, vừa tiết kiệm thời gian công sức cho người bệnh.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 25-01-2018
Cùng chuyên mục
  • Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2017, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiếp tục đạt kỷ lục và là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Cùng với nỗ lực gia tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tích cực chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của DN.
  • Từ kỳ tích bóng đá, nghĩ về động lực tăng trưởng!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tràn ngập nụ cười, những “biển người” với sắc đỏ cờ hoa - không thể tuyệt vời hơn khi đón đội tuyển U23 từ sân bay Nội Bài về nước hôm qua! Càng thấy một Việt Nam hào sảng và khí phách. Càng yêu hơn Tổ quốc Việt Nam luôn biết trọng, biết trân quý tài năng. Bởi đó chính là nguồn lực, là những khởi nguồn của một mùa Xuân mới.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Đội tuyển U23 Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng Đội tuyển U23 Việt Nam
  • Việt Nam - á quân U23 châu Á
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Có thể câu chuyện cổ tích của U23 Việt Nam đã kết thúc không có hậu như các cầu thủ và người hâm mộ mơ ước, nhưng cây viết John Duerden trên trang thể thao Fox Sports Asia tin rằng, Việt Nam đã giành “giải thưởng lớn”. “Hãy quên thất bại đi, giải thưởng thực sự của U23 Việt Nam là kết nối người dân cả nước và xóa tan tâm lý tự tin của các đội bóng ASEAN”.
  • Ngăn chặn trốn đóng, nợ đóng BHXH:  Kỳ vọng từ “chế tài” mới
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, từ ngày 01/01/2018, hành vi trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này cùng với việc tăng cường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng “nhờn” luật, tạo chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, xử lý vấn nạn trốn đóng, nợ đóng BHXH hiện nay.
Đổi mới cơ chế tài chính y tế cơ sở