Cần quan tâm và có chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Ảnh: P.Tuân
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra, đó là chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao, coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây chính là giải pháp đột phá và tạo động lực then chốt để phát triển nền kinh tế tri thức nhanh và bền vững. Để triển khai nhiệm vụ này, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngay trong các trường đại học nhằm phát huy vai trò dẫn dắt tiên phong của các trường đại học, viện nghiên cứu.
Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan phân tích, hiện nay, nước ta có 237 trường đại học với 16.500 tiến sĩ, 574 giáo sư, 4.113 phó giáo sư, hằng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ và 1,5 triệu sinh viên đại học chính quy. Các trường đại học có quan hệ hợp tác quốc tế với hầu hết các tổ chức khoa học, công nghệ hàng đầu trên thế giới. Hằng năm có hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai từ các trường đại học, tạo ra nhiều công nghệ kỹ thuật mới, rất cần cho thực tế sản xuất và đời sống. Đây thực sự là một nguồn lực quý giá có tiềm năng to lớn cần được phát huy, khai thác để đóng góp tích cực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Để khai thác và phát huy tiềm năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của trường đại học, viện nghiên cứu, Đại biểu Lan cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện các văn bản dưới luật của Luật Giáo dục đại học, sửa đổi Luật Khoa học công nghệ và một số luật liên quan khác; đưa ra hướng dẫn hình thành, vận hành DN khởi nguồn công nghệ trong trường đại học, nhất là các chính sách thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ hỗ trợ rủi ro. Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung chiến lược khoa học, công nghệ quốc gia; quy hoạch, dự báo nhu cầu đổi mới công nghệ gắn với quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng tình với đề xuất trên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng, cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động và tạo ra mức tăng trưởng đột phá. Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của các trường đại học xuất sắc nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đem lại những sản phẩm khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển.
“Khơi thông” cơ chế tự chủđại học
Cùng với phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, việc hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra tại các kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) và một số đại biểu đề nghị, cần tiếp tục triển khai tinh thần tự chủ đối với giáo dục đại học. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động rà soát và đề nghị Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ để chủ trương tự chủ được triển khai hiệu quả trong thực tiễn cả về sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả để đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học thời gian qua đã đạt một số kết quả tốt và xu hướng là sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, đây là một quá trình chuyển đổi, có những vấn đề chưa được quy định rõ và chưa có tiền lệ nên cần bình tĩnh xử lý.
Theo Phó Thủ tướng, trong thực hiện tự chủ đại học, cần quán triệt quan điểm đó là phải xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến; tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được quản lý, thực hiện theo pháp luật và phải công khai để xã hội giám sát. Khi thực hiện tự chủ đại học, Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư và vẫn phải có cơ chế đảm bảo các đối tượng như con người nghèo, người khuyết tật… không bị giảm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, nhất là đại học chất lượng cao.
Từ yêu cầu trên, theo Phó Thủ tướng, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật thì cần phải sửa luật và tháo gỡ các vướng mắc. Trước mắt, tất cả các trường đại học đều phải kiện toàn hoặc thành lập mới theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, hội đồng trường với tư cách là một cơ quan thực quyền, chứ không phải là hội đồng có tính hình thức. Đồng thời, tất cả các trường đều phải xây dựng một quy chế điều hành, tổ chức hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ chi tiết theo quy định của pháp luật và phải công khai cho toàn dân giám sát.n
ĐĂNG KHOA