Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững đô thị

(BKTO) - Đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh, bền vững là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần đổi mới toàn diện công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước, qua đó tạo ra sự thay đổi đột phá cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam.

10-1.jpg
Phát triển đô thị nhanh, bền vững là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

Chất lượng đô thị hóa chưa cao

Đánh giá về việc phát triển đô thị trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2023, hệ thống đô thị nước ta đã có 902 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 42,7% vào năm 2023. Cùng với đó, không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đặc biệt, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đồng thời, bước đầu hình thành những cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với phương châm lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực...

Theo các chuyên gia, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều nguyên nhân chủ quan. Biểu hiện là, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, quy hoạch đô thị phải điều chỉnh khá thường xuyên; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý và quản trị đô thị tại nhiều địa phương còn yếu; còn có tình trạng địa phương đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị cũng như nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị…

Tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ thực tiễn, cũng như trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.

Nghị quyết đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị; đến năm 2030 đạt khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về: Y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030...

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, chính quyền các địa phương cần chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với phương châm lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng. Đồng thời, cần áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, cần thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị. Song song với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị; đặc biệt cần sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.

Nhấn mạnh muốn nâng cao chất lượng phát triển đô thị cần tăng cường huy động các nguồn lực, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các địa phương cần phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng, phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị; có các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị…/.

Nghị quyết số 06-NQ/TW đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị của Việt Nam đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Cùng chuyên mục
Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững đô thị