Gỡ “rào cản” để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

(BKTO) - Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều rào cản, đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ để tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững.

12.jpg
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có sự phát triển tương đối nhanh. Ảnh minh họa

Nhiều rào cản hạn chế khởi nghiệp sáng tạo

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tương đối nhanh. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 20 địa phương đã hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều mô hình đa dạng, phong phú; gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp đã và đang hoạt động. Đặc biệt, nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế có hoạt động tại Việt Nam hoặc phối hợp với các tổ chức trong nước để vận hành các không gian đổi mới sáng tạo...

Nhờ đó, trên các bảng xếp hạng toàn cầu, các chỉ số về đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có cải thiện về điểm số và thứ hạng. Cụ thể, theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2022). Trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng được ghi nhận có những bước cải thiện, hiện Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới và được đánh giá là một trong những quốc gia khởi nghiệp tốt nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), vẫn còn một số rào cản hạn chế sự phát triển một cách mạnh mẽ của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể như, mặc dù “cơ chế đặc thù” cho khởi nghiệp sáng tạo đã được nhắc đến nhiều, nhưng thực tế hiện nay chưa có “không gian” cho các mô hình kinh doanh mới. Các trung tâm hỗ trợ chuyên nghiệp chưa được quan tâm thích đáng, chưa có không gian làm việc. “Khi các trung tâm muốn tổ chức hội thảo hay tọa đàm quốc tế để gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thì thủ tục cấp phép cần thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân. Dù chỉ có 10 nhà đầu tư, nhưng thủ tục có thể mất thời gian rất lâu, trong khi các nhà đầu tư thường không đủ thời gian để chờ đợi và bỏ lỡ cơ hội” - ông Quất nêu thực tế.

Mặt khác, việc hỗ trợ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là về công nghệ, cũng chưa có cơ chế để tiến hành thực nghiệm. Trong khi đó, nhìn sang một số nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…, các quốc gia này đều có cơ chế thực nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, do đó, nhiều mô hình khởi nghiệp của Việt Nam đều chuyển qua các quốc gia đó để triển khai chứ không ở trong nước. Ngoài ra, việc thực thi các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các cơ quan chức năng, địa phương đôi lúc, đôi chỗ còn chậm và yếu; các nguồn lực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế…

Cần hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, một trong những điểm quan trọng nhất là cần thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất.

Muốn vậy, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Theo đó, ngoài hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, cần có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ vào cuộc sống. Để làm được điều này, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm chỉ đạo hoạt động kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và với các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, đặt doanh nghiệp làm trọng tâm và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ thực tế, trong đó có hỗ trợ tài chính cho việc triển khai các ý tưởng và dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, các hình thức hỗ trợ lãi suất và cơ hội tham gia dự án cụ thể trong các doanh nghiệp lớn.

Đưa thêm khuyến nghị, theo TS. Phạm Hồng Quất, một trong những điểm quan trọng để hỗ trợ xây dựng năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là cần xây dựng nguồn nhân lực huấn luyện viên, đội ngũ cố vấn để tham gia dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Hiện nay, các địa phương đang khuyến khích khởi nghiệp của các thành phần kinh tế nhưng điểm thiếu nhất là các huấn luyện viên chuyên nghiệp, do đó kết quả đạt được còn khá khiêm tốn” - ông Quất chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách mở cho các mô hình kinh doanh mới; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm những nguồn lực đủ mạnh hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

Chia sẻ quan điểm các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề cũng đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia, TS. Nguyễn Văn Tân - Trường Đại học Lạc Hồng - cho rằng, bên cạnh việc đào tạo kiến thức, các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề cần có các chính sách hỗ trợ sinh viên trong quá trình tham gia các hoạt động, cuộc thi khởi nghiệp của địa phương, của quốc gia; có cơ chế khi các dự án khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên đạt giải… Qua đó, giúp cho sinh viên có được sự tự tin trong môi trường khởi nghiệp sáng tạo sau khi rời ghế nhà trường./.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đặt mục tiêu, đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phấn đấu 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Gỡ “rào cản” để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo