
Khơi thông nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Theo các đại biểu, có nhiều cơ sở để xem xét tính khả thi của Đề án này, đặc biệt là những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; việc thực hiện các khâu đột phá, hệ thống hạ tầng đầu tư tương đối đồng bộ, toàn diện; một số hạn chế tồn tại kéo dài đã và đang được quyết tâm khắc phục. Đây là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Theo đại biểu Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh), Đề án đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5% là phù hợp. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất quan trọng nên cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, theo đại biểu, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp không đưa tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền “chôn” trong ngân hàng nên phải có những cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực này để đưa vào sản xuất kinh doanh mới đẩy được tăng trưởng 8%.
“Vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết giao chỉ tiêu cho từng bộ, ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phải đạt mức tăng trưởng, nhưng các đơn vị, địa phương cũng cần phải có thêm các giải pháp đột phá, cộng dồn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu đầy thách thức này” - đại biểu Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, hiện nay, vốn của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, gây khó khăn cho nền kinh tế và áp lực rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là những thị trường chủ yếu huy động vốn trung, dài hạn thì đang gặp khó khăn, không phải là kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư để mở rộng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.
Với định hướng tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và các năm tiếp theo là tăng trưởng 2 con số thì nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ rất lớn. Điều này vừa thuận lợi cho các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu nếu không có cơ chế pháp lý xử lý nợ xấu phù hợp. Do vậy, đề nghị xem xét ban hành quy định về xử lý nợ xấu sớm, không để knợ xấu trở thành vấn đề nóng mới ban hành.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, bắt buộc phải dồn mọi sức lực, vượt qua khó khăn.
“Vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết số 25/NQ-CP giao chỉ tiêu tăng trưởng, mỗi địa phương phải tăng trưởng bao nhiêu, mỗi ngành phải hành động gì. Nếu tất cả cùng hành động sẽ tạo xung lực, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra”- đại biểu Cường nói.
Hỗ trợ đầu tư tư nhân, bảo đảm chính sách an sinh xã hội
Cơ bản thống nhất với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phản ứng chính sách; tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần tháo gỡ rào cản, tháo gỡ về thể chế, hỗ trợ cho đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh; thúc đẩy tháo gỡ và phát triển về thị trường bất động sản. Về xuất khẩu, đại biểu đề nghị phải chú trọng đến cán cân thương mại, đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ tránh để xảy ra đội lốt thương mại.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ), Chính phủ đưa ra giải pháp về khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Trong năm 2025, Chính phủ đã có phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư công tăng thêm là 84,3 nghìn tỷ đồng (dự kiến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024). Đây là nguồn lực chúng ta hoàn toàn chủ động, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân. Hiện nay, việc huy động nguồn lực này còn rất khó khăn và khiêm tốn.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP. Cần Thơ), với khoảng 100 nghìn người bị ảnh hưởng do cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang thực hiện, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, cần tập trung vào giải pháp tăng tiêu dùng.
“Các giải pháp tăng tiêu dùng đó là, tạo việc làm, Nhà nước cần có hỗ trợ cho người làm việc ở khu vực công; điều chỉnh chính sách thuế để giúp người dân tiếp cận được thị trường, đồng thời khơi thông các thị trường bất động sản và khoa học công nghệ” - đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên một cách bền vững thì Nghị quyết của Quốc hội cần quan tâm, bổ sung một số chính sách về an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân…