Đồng bằng sông Cửu Long: Làm sao để sống chung với hạn, mặn?

(BKTO) - Chỉ trong một thập kỷ qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng. Giới chuyên gia dự báo, khu vực này có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn, mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai. Vậy, giải pháp nào để sống chung với hạn, mặn?

a_trang-15.jpg
Nhiều cánh đồng lúa ở ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh minh họa

Hạn, mặn có thể gây thiệt hại tới hơn 76.000 tỷ đồng vào năm 2050

Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 08-13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66km, có nơi sâu hơn. Riêng tại Bến Tre, có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất 2016 - năm hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL. Nhìn rộng hơn, chỉ trong một thập kỷ qua, ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng vào các năm: 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên nước cho thấy, với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất do xâm nhập mặn ở khu vực này khoảng 70.168 tỷ đồng. Thậm chí, các nhà khoa học dự báo kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại đây cho các năm: 2030, 2040 và 2050 lên tới 72.385 tỷ đồng, 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ - PGS,TS. Nguyễn Hiếu Trung - thông tin, những năm gần đây, hạn mặn diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào hệ thống kênh rạch với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây, cũng như tình trạng suy giảm nguồn nước đến từ thượng nguồn. Lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài ra, việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng; tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn.

Ngoài việc tích nước tại chỗ, làm hồ chứa thì cũng rất cần dự án đường cấp nước liên vùng, có thể đưa từ “túi nước” Tứ giác Long Xuyên về hạ lưu, thậm chí dẫn nước từ hệ thống sông Đồng Nai về Tiền Giang, Bến Tre. Việc này chi phí đắt nhưng với tư duy và tầm nhìn của 100 năm thì xứng đáng để đầu tư để mỗi khi có El Nino, chúng ta không còn phải huy động nguồn lực ứng phó, không phải chở từng sà lan hay téc nước cứu trợ cho người dân.

TS. Nguyễn Ngọc Huy
Chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - ông Lê Ngọc Quyền - thừa nhận, 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực này gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Hiện các tỉnh: Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020). “Nắng nóng vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao” - ông Quyền nhận định.

Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - ông Trần Anh Tuấn - cho rằng: ĐBSCL có hệ thống sông Cửu Long, Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé… Lượng nước đổ về qua sông Tiền, sông Hậu. “Nghịch lý là vùng ĐBSCL sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này do hạn, mặn và phèn gây ra” - ông Tuấn cho hay, đồng thời nhấn mạnh, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý. Thậm chí, có người ở Cà Mau từng nói “Nấu canh khỏi bỏ muối vì mặn quá rồi”.

Quan tâm công tác dự báo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ rõ: Việc phát triển vùng ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn...

Theo Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng, cần xem hạn, mặn là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Do đó, chúng ta cần quan tâm công tác dự báo để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và có giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi. Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Quyền cho rằng, việc theo dõi, dự báo để có giải pháp ứng phó với hạn, mặn ở ĐBSCL cần được quan tâm để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. “Tiếp tục tích cực ứng dụng công nghệ mới vào nghiệp vụ dự báo, cảnh báo, truyền tin để tăng tính hiệu quả” - ông Quyền đề nghị.

TS. Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nhấn mạnh, chúng ta đã một thời sống chung với lũ và bây giờ sống chung với hạn mặn, nhưng sống chung thế nào phải có hai vấn đề tiên quyết là từ yêu cầu thực tiễn và có giải pháp thích ứng thuận thiên. Ông Hiệp đề xuất giải pháp “ba cần, bốn có”. Cụ thể, “ba cần” đó là: Cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt; xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ, từ đó đề xuất xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương. “Bốn có” gồm: Công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn, mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt; giải pháp công trình; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mê Công.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ - đề xuất: Cần hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gia đình; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác cho phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái; nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao; trữ nước ngọt ở ven biển…)./.

Cùng chuyên mục
  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Nhân lên sức mạnh để đất nước phát triển và trường tồn
    13 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Cách đây 70 năm, sáng 19/9/1954, sau khi đến thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng, giao nhiệm vụ và căn dặn cán bộ chiến sỹ Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại được nói vào thời khắc lịch sử đặc biệt, tại đất thiêng Đền Hùng như lời hịch của non sông, như tiếng vọng mang hào khí ngàn năm của dân tộc ta.
  • Trên 77 triệu lượt tra cứu thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp
    13 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 17/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, cơ quan này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam
    14 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.
  • Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản
    14 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung một số chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa…
  • Nhân lực du lịch: Chất lượng chưa cao, nguy cơ thua ngay trên sân nhà
    14 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo khiến chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt, cũng như đưa đến nguy cơ lao động du lịch Việt mất việc ngay tại thị trường trong nước…
Đồng bằng sông Cửu Long: Làm sao để sống chung với hạn, mặn?