Động lực để phát triển văn hóa: Tiền đi liền với chính sách

(BKTO) - Với việc bổ sung nguồn lực hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2025-2035, các chuyên gia văn hóa kỳ vọng nguồn lực này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Điều quan trọng là cơ quan chức năng cần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa, đồng thời có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, phát triển văn hóa.

z5511614716948_235a31e687c605691823f28a3d65a640.jpg
Để tạo động lực cho phát triển văn hóa, ngoài vấn đề kinh phí, cần phải có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Ảnh: N.Lộc

Đầu tư còn dàn trải, chưa thực sự hiệu quả

Những năm qua, phát triển văn hóa luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, nhiều chính sách, chiến lược, cơ chế đầu tư cho văn hóa được ban hành, qua đó thúc đẩy lĩnh vực văn hóa ngày càng phát triển.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với tổng kinh phí đầu tư cho văn hóa giai đoạn này là hơn 122 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia kỳ vọng, việc đầu tư chương trình trong thời điểm này đáp ứng yêu cầu vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hoá đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

“Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước” - đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, việc đầu tư cho văn hóa thời gian qua còn bất cập, có nơi còn chưa thực sự hiệu quả, khiến việc sử dụng nguồn lực này có thời điểm còn lãng phí.

dsc_0139-1600x1200-.jpg
Đầu tư cho văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.Lộc

Dưới góc nhìn doanh nghiệp làm về văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Nhà nước đầu tư cho văn hóa không ít nhưng có nơi cách làm còn chưa hiệu quả.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, thiếu đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan, thành ra khó xác định được mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư.

“Thế nên mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư cho văn hóa nhưng nhiều người làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ sĩ có thời điểm vẫn không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó” - nhạc sĩ Quốc Trung nói; đồng thời đề nghị việc triển khai đầu tư cho văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần phải rất chặt chẽ, hiệu quả. 

Để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc đầu tư phải có mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan để từ đó xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác mục tiêu cần đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung

Từ những bất cập trong sử dụng nguồn vốn cho văn hóa được chỉ ra qua thực tiễn giám sát, góp ý về đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm ưu tiên đầu tư chương trình văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn khó khăn.

“Việc sử dụng nguồn vốn cho văn hóa phải tiết kiệm, hiệu quả” - đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga lưu ý.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển văn hóa

Cùng với việc đảm bảo hiệu quả của nguồn lực đầu tư công cho văn hóa, các ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường thu hút thêm nguồn lực từ xã hội cho hoạt động này, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào bảo tồn, phát triển văn hóa.

Để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc cần quan tâm đến xây dựng thể chế, cơ chế trên quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh)

PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc thu hút đầu tư và tài trợ cho văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn tạo ra động lực cho sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, góp phần nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, khai thác nguồn lực không hiệu quả…” - bà Phương nhìn nhận; đồng thời cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút đầu tư vào văn hóa, TS. Nguyễn Thế Hùng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, nhiều quốc gia đã xây dựng một hệ sinh thái văn hóa phong phú gắn với hệ thống tài trợ văn hóa rất đa dạng, bao gồm cả quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, từ các tổ chức phi Chính phủ.

Tuy nhiên, để làm được điều này, “chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững, phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả” - TS. Hùng nhấn mạnh.

dsc_1306.jpg
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn, nếu được khai thác đúng cách. Ảnh: N.Lộc

Bà Phạm Thị Thanh Hường (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho rằng, để văn hóa phát triển, các doanh nghiệp văn hóa, nghệ sĩ cần được đầu tư không chỉ bằng tài chính trực tiếp mà còn là sự trợ lực từ chính sách, trong đó cần đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, các khung quy định quản lý theo hướng thông thoáng hơn... 

“Nguồn đầu tư của Chính phủ bằng tài trợ trực tiếp hoặc đặt hàng rất quan trọng nhưng đầu tư phi tài chính như hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho doanh nghiệp lại được cho là quan trọng hơn, quyết định sự sống còn và phát triển của các công ty này” - bà Hường nêu.

Cùng chuyên mục
Động lực để phát triển văn hóa: Tiền đi liền với chính sách