Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 1.520 dự án, với tổng vốn đăng ký 30,76 tỷ USD. Cụ thể là ngoài khu công nghiệp là 167 dự án, vốn đăng ký 4,41 tỷ USD và trong khu công nghiệp là 1.353 dự án, vốn đăng ký trên 26,3 tỷ USD.
Đáng chú ý, hiện có 1.300 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án FDI còn lại đang được đầu tư xây dựng.
Các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao nhất tại Đồng Nai là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, châu Âu, châu Mỹ.
Thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục định hướng về ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện tại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
"Đồng Nai chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành", Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo thống kê, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn FDI thu hút trong 8 tháng đầu năm 2020 bao gồm cấp mới và tăng vốn là trên 776,5 triệu USD bằng 68,8% cùng kỳ, đạt 76,5% kế hoạch năm (1.000 triệu USD); trong đó, cấp mới 51 dự án với tổng vốn cấp mới là 208,93 triệu USD, tăng vốn là 81 dự án với tổng vốn tăng trên 567,57 triệu USD.
Một số dự án tiêu biểu được cấp mới trong 8 tháng năm 2020 như dự án Wonil Steel Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Long Thành, vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD. Dự án Nhà máy Topband Smart Đồng Nai (Hong Kong) tại Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn, vốn đầu tư đăng ký 20 triệu USD.
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Dae Young Textile Việt Nam (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, vốn đầu tư đăng ký 16 triệu USD.
Đến các dự án tăng vốn nổi bật trong 8 tháng qua như dự án Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (Đức) tại Khu công nghiệp Amata, vốn đầu tư tăng thêm 50 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Thạnh Phú, vốn đầu tư tăng thêm 87,37 triệu USD.
Dự án Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Longwell (Samoa) tại Khu công nghiệp Dầu Giây, vốn đầu tư tăng thêm 88 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown Đồng Nai (Singapore) tại Khu công nghiệp Tam Phước, vốn đầu tư tăng thêm 94,2 triệu USD.
Các dự án thu hút trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh là thu hút có chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường.
Các dự án đầu tư điều chỉnh có nội dung đa dạng như điều chỉnh nhà đầu tư, bổ sung mục tiêu hoạt động, mở rộng quy mô dự án, tăng vốn đầu tư và vốn góp.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai trong 8 tháng qua chủ yếu thuộc các quốc gia châu Á, phần lớn vẫn là các dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Theo TTXVN