Đông Nam Bộ và những định hướng phát triển mang tầm chiến lược

(BKTO) - Đông Nam Bộ (ĐNB) đã có một diện mạo phát triển mới sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa XI. Tuy vậy, sự phát triển của ĐNB vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Bởi vậy, việc Bộ Chính trị đưa ra những định hướng mới mang tầm chiến lược về ĐNB có ý nghĩa quan trọng đối với



Ảnh minh họa

ĐNB bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, ĐNB đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn của vùng tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng ĐNB đã đóng góp 32% GDP của cả nước; 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước...

Thành quả trên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận trong bài phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24). Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, sự phát triển của ĐNB vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra.

Đặc biệt, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Hạ tầng giao thông liên tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực… Những hạn chế này cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết 24.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 24, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của ĐNB. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, liên kết vùng ĐNB và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính quyền cấp vùng. Điều này dẫn đến không có bộ máy điều hành vùng và không có nguồn ngân sách để phục vụ phát triển. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định: Hạ tầng giao thông kết nối vùng và cơ chế liên kết vùng là 2 điểm nghẽn chính làm hạn chế sự phát triển của vùng ĐNB.

Phấn đấu trở thành hình mẫu tiêu biểu trong hợp tác liên kết vùng

Để tháo gỡ những điểm nghẽn, phát huy tiềm năng, lợi thế của ĐNB, Nghị quyết 24 nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng ĐNB trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Phát triển ĐNB trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế…

Kiến nghị giải pháp phát triển ĐNB, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc hiện thực hóa mục tiêu trong Nghị quyết 24 đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, cần sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng nguồn nhân lực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để tạo được sự chuyển biến đột phá và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng lợi thế của vùng, ĐNB phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng. Trong đó, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, các nước tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN và thế giới.

Theo Tổng Bí thư, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, ĐNB cần phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng. Chính phủ và các cơ quan trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, đặc thù cho sự phát triển vùng; thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những mục tiêu mà Nghị quyết 24 đề ra có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của ĐNB. Điều quan trọng là việc đưa Nghị quyết 24 vào cuộc sống thông qua các chương trình hành động của mỗi địa phương. Chương trình hành động ấy, theo Tổng Bí thư, phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng với các chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao./.
         
Nghị quyết 24 xác định: ĐNB phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Đông Nam Bộ và những định hướng phát triển mang tầm chiến lược