Thiếu chặt chẽ trong ký kết hợp đồng
Theo kết quả kiểm toán, trong quá trình triển khai, vốn trái phiếu Chính phủ được UBND tỉnh Thái Bình hoàn trả cho Dự án BT phù hợp với quy định của hợp đồng Dự án. Tuy nhiên, khi thực hiện ký kết hợp đồng, các điều khoản của hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả cho Dự án từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến số tiền này chưa được ưu tiên trả cho các khoản lãi vay và vốn vay để hạn chế phát sinh số tiền lãi vay phải trả. Vì vậy, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm trừ giá trị quyết toán chi phí lãi vay 7,8 tỷ đồng.
Sự thiếu chặt chẽ trong thương thảo hợp đồng BT cũng xảy ra khi tính toán, xây dựng một số tiêu chí cơ bản trong phương án tài chính thực hiện dự án. Kết quả kiểm toán Dự án BT cho thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đã thực hiện đàm phán, thống nhất các căn cứ để ký hợp đồng Dự án.
Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu cơ cấu vốn đầu tư chưa phù hợp với quy định, do hợp đồng quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án được tính trên tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay. Cụ thể, số vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư phải góp theo cam kết tại hợp đồng BT là 269,1 tỷ đồng (tính trên tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Nghị định 108), vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư phải góp là hơn 282,2 tỷ đồng. Như vậy, so với quy định, số vốn chủ sở hữu thiếu hơn 13,1 tỷ đồng.
Đánh giá về tỷ lệ góp vốn, kết quả kiểm toán cho thấy, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án BOT luôn đảm bảo tại mọi thời điểm là 20%/80%, đáp ứng yêu cầu của hợp đồng BOT (vốn chủ sở hữu tối thiểu 15%, vốn vay 85%) và phù hợp với quy định tại Điều 5 Nghị định 108. Tuy nhiên, đối với Dự án BT, việc huy động vốn đầu tư chưa đảm bảo tỷ lệ vốn này. Cụ thể, theo quy định tại hợp đồng BT, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 14,48% tổng vốn đầu tư, vốn do nhà đầu tư huy động tối đa là 85,52%. Song, tại thời điểm ngày 31/3/2016, tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ đạt 12,42%.
Còn “khoảng trống”chính sách
Theo đánh giá của KTNN, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định về quản lý các dự án PPP như: Nghị định 108, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP; Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính, Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua kiểm toán 2 Dự án trên, KTNN đã chỉ rõ những bất cập cũng như những “khoảng trống” về cơ chế chính sách trong thực hiện các dự án PPP.
Cụ thể, về việc xác định chỉ tiêu lợi nhuận của Nhà đầu tư theo hướng dẫn của Thông tư số 166/2011/TT-BTC và Thông tư số 55/2016/TT-BTC - trong trường hợp chỉ định thầu, lợi nhuận nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng, lợi nhuận của các dự án tương tự so với mặt bằng thị trường khu vực dự án và lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực khác.
KTNN cho rằng, việc thực hiện theo hướng dẫn trên là rất khó do phạm vi tham khảo rộng, sau khi tham khảo thì vận dụng các thông tin tham khảo như thế nào cho phù hợp với đặc thù cụ thể của từng dự án chưa được quy định rõ ràng. Như vậy, căn cứ để xác định lợi nhuận nhà đầu tư mang tính chất định tính, chưa quy định cụ thể gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đàm phán với nhà đầu tư.
Mặt khác, KTNN cũng chỉ ra rằng, hiện Nhà nước chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến nhà đầu tư không bị bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm để giảm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
Từ những bất cập trên, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình rút kinh nghiệm khi chưa quy định cụ thể việc thanh toán khoản tiền Nhà đầu tư nhận được từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn trả cho Dự án, dẫn đến số tiền này chưa được ưu tiên trả hết cho các khoản lãi vay và vốn vay để hạn chế phát sinh số tiền lãi vay phải trả của hợp đồng BT.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, KTNN kiến nghị, Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của ngành nhằm đảm bảo tính kinh tế của dự án theo quy định tại Khoản 3, Điều 18, Thông tư 55/2016/TT-BTC. Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị tham mưu nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn cụ thể về thời điểm Nhà đầu tư phải góp đủ số vốn tối thiểu theo cam kết của hợp đồng để đảm bảo hạn chế tối đa việc sử dụng vốn vay, nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
Đ.KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017