Các công trình mở rộng đường QL 1 phù hợp với quy hoạch phát triển. Ảnh: TS
Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển
Dự án đầu tư mở rộng QL1 tại một số đoạn qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nêu trên được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Dự án được KTNN đánh giá phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải (GTVT) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Chủ đầu tư của Dự án là Bộ GTVT và UBND các huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Gio Linh, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị). Bộ GTVT đã giao cho Ban quản lý dự án 6 (PMU6) làm đại diện chủ đầu tư.
Theo các Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của Dự án qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình là 1.209,2 tỷ đồng; tổng mức đầu tư Dự án qua tỉnh Quảng Trị là 2.789 tỷ đồng. Theo các Quyết định đầu tư, các dự án có kế hoạch khởi công năm 2013 và hoàn thành năm 2016.
Các dự án đã được khởi công đúng thời hạn và hoàn thành trước tiến độ vào năm 2015. Cụ thể, Dự án qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã hoàn thành và ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 07/6/2015 (riêng phần Cầu Ròn, tính theo phạm vi kiểm toán tại đơn vị đến ngày 03/12/2015, vẫn đang thi công theo kế hoạch); Dự án qua tỉnh Quảng Trị cũng đã hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 20/10/2015.
Đánh giá về tính đúng đắn, trung thực của số liệu tài chính của Dự án, KTNN nêu rõ: những hạn chế, sai sót được phát hiện qua kiểm toán, sau khi điều chỉnh Báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực, hợp lý tình hình nguồn vốn và vốn đầu tư thực hiện của Dự án theo quy định của các Luật, chính sách hiện hành.
Trên cơ sở số liệu báo cáo và hồ sơ của Dự án do đơn vị cung cấp, KTNN xác nhận giá trị nguồn vốn đầu tư của Dự án qua Hà Tĩnh, Quảng Bình là 791,7 tỷ đồng; giá trị vốn đầu tư thực hiện là 688,8 tỷ đồng. Giá trị nguồn vốn đầu tư của Dự án qua Quảng Trị là 1.259,9 tỷ đồng; giá trị vốn đầu tư thực hiện là 984,7 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư không tăng sau điều chỉnh
Đề cập đến những mặt làm được trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, KTNN đánh giá các bước đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Các đơn vị, tổ chức tham gia công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, vẫn còn có hạn chế là trong quá trình thực hiện Dự án phải bổ sung, điều chỉnh một số hạng mục và KTNN đã quy trách nhiệm thuộc về đơn vị tư vấn lập dự án là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT và PMU6.
Liên quan đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, KTNN đánh giá, trong quá trình thực hiện, các dự án đều có điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư ban đầu. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư phù hợp với các quy định của Nhà nước có liên quan. Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã được điều chỉnh giảm 704 triệu đồng, tổng mức đầu tư Dự án qua tỉnh Quảng Trị đã được điều chỉnh giảm 201 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi xem xét nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của từng trường hợp đến giá trị điều chỉnh tổng mức đầu tư, KTNN nêu rõ, đối với Dự án qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, chi phí xây dựng đã được điều chỉnh tăng 121,6 tỷ đồng, nguyên nhân là do biến động về giá nguyên vật liệu, chính sách của Nhà nước thay đổi và bổ sung thêm một số hạng mục. Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng cũng tăng 86,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số chi phí như: quản lý dự án, tư vấn và chi khác đã giảm hơn 14,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm hơn 194,6 tỷ đồng, nên xét về tổng thể thì tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án không vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu.
Đối với Dự án qua tỉnh Quảng Trị, chi phí xây dựng đã được điều chỉnh tăng 224,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do bổ sung một số hạng mục vào Dự án, bổ sung kinh phí cho một số hạng mục, phát sinh khối lượng, thay đổi giá vật liệu xây dựng đã làm tăng chi phí 458 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tăng 113,4 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn… tăng 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có một số chi phí giảm do điều chỉnh thiết kế cơ sở, áp dụng lại mức lương, chuyển chi phí đảm bảo an toàn giao thông vào phần chi khác (233,4 tỷ đồng), giảm chi phí dự phòng (555,9 tỷ đồng), vì thế, xét về tổng thể, Dự án sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng vẫn thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu. (Kỳ sau đăng tiếp)
QUỲNH ANH