Tổng mức đầu tư hợp lýsau 2 lần điều chỉnh
Được phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 142/QĐ-EVN ngày 16/02/2009 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải nhằm mục tiêu chuẩn bị mặt bằng xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ công tác quản lý, thi công và vận hành các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3, 3 mở rộng và Cảng than. Tổng mức đầu tư Dự án được phê duyệt lần đầu là 3.469,9 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh 2 lần và giảm xuống còn 2.172,1 tỷ đồng, nguyên nhân là do điều chỉnh quy hoạch tổng thể và điều chỉnh giảm quy mô Dự án. Theo KTNN, việc điều chỉnh Dự án đảm bảo hiệu quả đáp ứng mục tiêu đầu tư, góp phần hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn điện và phù hợp với các nguồn vốn đầu tư của EVN. Quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư được chủ đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành.
Đối với Dự án này, theo đánh giá của KTNN, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng trong quản lý, triển khai thực hiện và bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế nhờ việc đưa vào khai thác hạ tầng Trung tâm Điện lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong Trung tâm, tận dụng được nguồn nguyên liệu cát tại chỗ để thi công san lấp mặt bằng giúp giảm chi phí đầu vào.
Quá trình đấu thầu còn làm giảm chi phí đầu tư cho Dự án, tiết kiệm kinh phí cho chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư điều chỉnh được đánh giá, phân tích tài chính cho từng nội dung đầu tư, các chi phí đầu tư được phân bổ cho từng công trình nguồn điện, cảng trong Trung tâm Điện lực để tính vào giá thành sản xuất điện. Qua kiểm toán cho thấy, Ban Quản lý dự án (QLDA) cơ bản đã quản lý, sử dụng nguồn vốn vay trong nước theo quy định. Tính đến ngày 30/6/2016, nguồn vốn thực hiện được xác nhận theo Báo cáo tài chính là 1.049,2 tỷ đồng, giá trị giải ngân 1.100,7 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Cũng đến thời điểm đó, chủ đầu tư đã bố trí thêm vốn đối ứng gần 305,2 tỷ đồng để thanh toán các khoản vay thương mại trong nước giảm từ 912,4 tỷ đồng xuống còn 607,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính kinh tế của Dự án đã bị giảm bởi công tác lập dự toán đã tính sai đơn giá 12 tỷ đồng; tính sai khối lượng hơn 9 tỷ đồng; chiết giảm dự toán gói thầu số 4 trị giá 1,15 tỷ đồng; công tác đàm phán, ký kết hợp đồng chưa rà soát lại khối lượng chính xác trước khi ký hợp đồng trọn gói làm tăng giá trị hợp đồng gói số 3, 4 lên 123 triệu đồng; chưa chiết giảm đơn giá vật liệu công tác kéo rải căng dây tại gói thầu số 4.
KTNN chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán nguồn vốn đầu tư Dự án đến ngày 30/6/2016 cho thấy, phải giảm 61,9 tỷ đồng vốn đầu tư do hạch toán sai nguồn vốn của Dự án Duyên Hải 3 vào Dự án Duyên Hải 1 và do hạch toán sai phí cam kết trong giai đoạn vận hành vào chi phí giai đoạn đầu tư xây dựng.
Chủ đầu tư, Ban QLDA, các nhà thầu và các đơn vị liên quan đã chấp hành theo các quy định của pháp luật về QLDA đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, thuyết minh thiết kế cơ sở của Dự án còn thiếu nội dung đánh giá ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; nguồn vốn của Dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ; Báo cáo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định trình EVN phê duyệt Dự án còn sơ sài; Dự án được phê duyệt nhưng không có văn bản thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư đã phê duyệt một số gói thầu (gói thầu số 2, số 4, số 8, số 9) lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu với giá gói thầu vượt hạn mức chỉ định thầu; thực hiện đấu thầu chậm gần 2 tháng so với kế hoạch đấu thầu tại gói thầu số 5; một số nhà thầu trúng thầu có hồ sơ dự thầu chưa đầy đủ so với hồ sơ mời thầu tại gói thầu số 4 và gói thầu số 6. Ban QLDA cũng đã không lập, trình EVN thẩm định và phê duyệt Kế hoạch đấu thầu gói thầu khảo sát và lập dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, gói thầu Lập trạm quan trắc thủy hải văn Trung tâm Điện lực Duyên Hải theo quy định của Luật Đấu thầu.
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư không lập báo cáo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình định kỳ 6 tháng/lần, báo cáo sự cố theo quy định tại Thông tư số 27/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Điều 35 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình. Nhà thầu thi công gói thầu số 11 chưa mua bảo hiểm cho tài sản, con người thuộc trách nhiệm của nhà thầu.
Theo KTNN, công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán của Dự án còn thiếu sót do nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng 1,95 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán sai đơn giá 1,33 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán sai khác 17,6 tỷ đồng. KTNN cũng xác định khoản chưa đủ điều kiện thanh toán, quyết toán là thi công giếng cát tại gói thầu số 8 và gói thầu số 9 với số tiền 52,25 tỷ đồng.
Đánh giá về việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán, KTNN cho rằng, chủ đầu tư, Ban QLDA đã chấp hành Luật Kế toán, Thông tư số 195/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho chủ đầu tư và các văn bản quy định hiện hành. Tuy nhiên, KTNN xác định, Ban QLDA chưa hạch toán giảm chi phí đầu tư số tiền 2,67 tỷ đồng (bảo hiểm chấp nhận bồi thường tại gói thầu số 9 là 2,38 tỷ đồng, phạt chậm tiến độ tại gói thầu số 3 số tiền 286 triệu đồng) là thực hiện chưa đúng quy định; hạch toán sai tiền sử dụng đất gần 14,5 tỷ đồng…
ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018