Tuy nhiên, theo Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), lạm phát cao, thu nhập và chi tiêu tiêu dùng thấp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế trong năm 2023, thì cũng khó có được động lực cho kinh tế 2024. Mặc dù thế, BDI cũng cho rằng, ngay trong quý 1/2024, những chao đảo do sự hỗn loạn của thị trường tài chính gây ra sẽ giảm bớt khi “lò lửa Trung Đông” giảm nhiệt.
Với Liên minh châu Âu (EU), giới tài chính ngân hàng cho rằng năm 2024 kinh tế khu vực này có thể sẽ phục hồi, đặc biệt là khi chi tiêu tiêu dùng được cải thiện nếu không xuất hiện những cú sốc mới gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp tục được duy trì ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong nửa đầu năm 2024 và chỉ có thể được nới lỏng trở lại vào nửa cuối năm.
Khả năng khủng hoảng kinh tế là khó xảy ra đối với EU trong năm 2024. Điều đó có nghĩa là tích cực hơn năm 2023.
Còn trên phạm vi toàn cầu, theo IMF, nếu như năm 2023 tăng trưởng GDP 3% thì năm 2024 con số đó vào khoảng 3,2%.
Điều đáng khích lệ là năm 2023 nhiều nền kinh tế lớn thoát khỏi khủng hoảng và không rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,25%. Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,7%. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Brazil tăng trưởng 3%, Ấn Độ đạt hơn 6%. Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ tránh được suy thoái và tăng trưởng ở mức 0,5%. Kinh tế Đức, Pháp, Italy cũng được dự báo sẽ bắt vào nhịp tăng trưởng ngay trong quý 1/2024, tuy rằng mức độ chậm, vào khoảng 1,5%.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được coi là nhiều triển vọng nhất về tăng trưởng trong năm 2024, cho dù rất khó bùng nổ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ là các cực tăng trưởng. Trong khi kinh tế của Singapore, Australia và New Zealand cũng được dự báo sẽ sáng hơn.
Với một số quốc gia khác, OECD cũng đã đưa ra dự báo cho năm 2024. Theo đó, Brazil, Mexico và Nga cũng sẽ đi lên, tuy có thể chậm hơn so với Ấn Độ, các nước ASEAN, Trung Đông và Bắc Phi. Còn khu vực Mỹ Latinh vẫn tiếp tục đối mặt với xu hướng đi ngang (khoảng 2,25%). Nam Mỹ đạt mức 2% và Trung Mỹ khoảng dưới 4%. Các nước khu vực Caribe được dự báo con số ấn tượng là 8%, tuy không tác động nhiều đến nền kinh tế toàn cầu.
“Khái quát chung, triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ có chiều hướng giống năm 2023. Các nước công nghiệp sẽ có mức tăng khoảng 1,5% và các nước đang phát triển và mới nổi tăng khoảng 4%” - nhóm chuyên gia của OECD đưa ra dự báo.
Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu trong cả năm 2024 sẽ giảm từ gần 9% xuống dưới 6% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước công nghiệp và đang phát triển đã giảm sâu trong năm 2023. Tuy nhiên, năm 2024, Mỹ và châu Âu sẽ cần ít nhất đến năm 2025 để đưa tỷ lệ lạm phát xuống gần với mức mục tiêu 2%. Kết thúc năm 2023, lạm phát ở Mỹ là 3,1% thấp hơn rất nhiều so với mức 9,1% vào thời điểm tháng 8/2023.
Nhà kinh tế Shannon Seery Grein thuộc Công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo dự báo kinh tế Mỹ năm 2024 sẽ tăng trưởng tích cực hơn. Trong năm 2023, FED đã 4 lần tăng lãi suất và giữ ổn định kể từ tháng 7. Lãi suất chuẩn khi kết thúc năm 2023 trong khoảng 5,25% - 5,5%. Nếu như FED có 3 lần cắt giảm trong năm 2024 thì lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể xuống còn 2 - 2,25%.
J.P.Morgan dự báo quý 1/2024 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2%, còn CBO dự báo ở mức 1,5%. Và đó cũng đã là “quá tốt” đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vậy, rủi ro kinh tế của năm 2024 là gì? Bên cạnh rủi ro đến từ các cuộc xung đột vũ trang thì một yếu tố khác cũng rất đáng lưu ý: năm 2024 có tới 50 cuộc bầu cử chọn người đứng đầu quốc gia trên khắp thế giới. Khoảng hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia, như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Mỹ, Nga và 27 quốc gia thuộc Nghị viện châu Âu, sẽ tham gia bỏ phiếu. Nhìn chung, những nước diễn ra bầu cử năm 2024 chiếm 60% tổng lượng kinh tế thế giới.
Những người chiến thắng sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng không chỉ với riêng từng quốc gia, mà còn ảnh hưởng tới khu vực, lớn hơn còn mang tính toàn cầu.
Bà Diane Coyle - giáo sư chính sách công tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cho rằng, với hàng loạt nguyên thủ quốc gia mới thì “nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào một thế giới rất khác so với thế giới mà mọi người từng quen”.
Còn theo Công ty tư vấn EY-Parthenon, kết quả của các cuộc bầu cử có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, và cả chính sách kinh tế. Vì thế, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn khó có thể bùng nổ.
Nội dung Mạng Arabnews.com dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga cho rằng năm 2024 kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi “thời điểm nguy hiểm”, với những thách thức địa chính trị, xung đột vũ trang. Phát biểu tại Sáng kiến đầu tư tương lai ở Riyadh (Saudi Arabia), ông Banga kêu gọi hòa bình và ổn định, đồng thời cho biết có “sự khác biệt ngày càng tăng” giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. dẫn...