Quang cảnh Tọa đàm |
Tọa đàm nhằm làm rõ hơn những nét nổi bật về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019; bối cảnh quốc tế, trong nước và các yếu tố tác động đến triển vọng kinh tế những tháng cuối năm, cũng như cập nhật dự báo tăng trưởng năm 2019.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011-2017.
Bà Trần Thị Hồng Minh nhận định, kinh tế vĩ mô 6 tháng qua vẫn được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,64% - mức thấp nhất trong 3 năm qua. Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.
Tuy nhiên, Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia nêu rõ, đằng sau những kết quả đạt được là nhiều khó khăn, thách thức lớn khi ngành nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh; xuất khẩu nông sản chịu nhiều áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản thương mại. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế, giáo dục…
Báo cáo cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%- vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 (từ 6,6-6,8%). Trong đó, tăng trưởng của các khu vực kinh tế lớn lần lượt là: nông nghiệp, thủy sản 3.02%; công nghiệp và xây dựng là 8,61% và dịch vụ là 6,84%.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019.
Đại biểu đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 |
Song song với việc đề xuất Trung tâm cần phải có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn về các yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô (chẳng hạn về tăng trưởng tín dụng, lượng tiền đổ vào nền kinh tế rất lớn vậy hiệu quả ra sao, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước…), nhiều đại biểu cũng cho rằng, Trung tâm cần phải có sự thay đổi trong định hướng và chọn lọc những vấn đề nghiên cứu chuyên sâu để đảm bảo sự đặc trưng của những báo cáo nghiên cứu sau này.
Tin và ảnh: QUỲNH ANH