Dư luận quốc tế về kinh tế Việt Nam: NỀN KINH TẾ ĐẦY HỨNG KHỞI VỚI “ĐỘNG CƠ TÊN LỬA ĐẨY”

(BKTO) - Với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, kinh tế vĩ mô ổn định, bội thu ngân sách, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.

16-du-luan-quoc-te.jpg
Toàn cảnh tòa nhà Landmark 81 tại TP. Hồ Chí Minh - biểu tượng cho sự phát triển năng động của Việt Nam. Ảnh sưu tầm

“Ngọn hải đăng” trong khu vực

Những ngày cuối năm, kinh tế Việt Nam đón nhiều tín hiệu tích cực. Theo báo cáo thống kê, năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt qua con số 700 tỷ USD. Với kết quả ấn tượng đó, thứ hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực đầu tư, “miền đất hứa” Việt Nam tiếp tục trở thành trọng điểm quan tâm của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ cao liên tục đón các nhà đầu tư tên tuổi, như: Samsung với Trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD, Apple sản xuất máy tính và đồng hồ thông minh, LEGO với nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương...

Kết quả trên giải thích tại sao các tổ chức tín dụng thế giới liên tục đưa ra những đánh giá tích cực với kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật bức tranh kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kết quả của Việt Nam là “tăng trưởng phi thường”. Đồng tình với đánh giá của WB, Nhật báo La Repubblica của Italia nhận định Việt Nam sẽ trở thành “con hổ mới” ở châu Á. Còn tờ The Brussels Times của Bỉ thì nhận xét, Việt Nam đang trở thành “ngọn hải đăng” trong khu vực với khả năng kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao dù tình hình quốc tế nhiều sóng gió.

Điều đáng nói là thành tích mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức bấp bênh. Các đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể phụ của Omicron, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cơn bão lạm phát tràn khắp toàn cầu cùng sự suy giảm tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc - hai đầu tàu kinh tế thế giới đã “bóp nghẹt” đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Nhìn nhận Việt Nam trong tình hình khó khăn đó, bà Era Dabla – Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên - đánh giá: “Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam”.

Không chỉ ca ngợi, dư luận quốc tế còn đi sâu phân tích nguyên nhân giúp Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Bà Era Dabla - Norris cho rằng: “Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm nay, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của đồng tiền Việt Nam theo cách giảm nhập khẩu lạm phát và đây là yếu tố rất quan trọng”.

Ông Andy Campion - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike - đánh giá cao sức chống chịu kiên cường của nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả của Chính phủ. Trong khi đó, hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg cho rằng, gói kích thích hàng tỷ USD của Chính phủ và chính sách tiền tệ linh hoạt là nền tảng cho sự hồi phục của Việt Nam. Chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Cảnh giác với những “cơn gió ngược”

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam, dư luận quốc tế tỏ ra khá lạc quan. Ông Evan - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - nhận xét: “Có người từng nói, Mỹ là mảnh đất của cơ hội, Việt Nam là mảnh đất của những con người tạo ra cơ hội. Điều này đã được chứng thực. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 có thể coi là sự kiện “thiên nga đen” và Việt Nam đã vượt qua tốt sự kiện này. Tôi tin rằng, Việt Nam cũng sẽ giải quyết tốt các thách thức mới trong tương lai”. Còn theo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi trên thế giới và với “động cơ tên lửa đẩy”, Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào cuối thập kỷ này.

Mặc dù đánh giá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam, nhưng các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực bởi môi trường kinh tế toàn cầu bấp bênh. Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam - nhận định, Việt Nam không miễn nhiễm với những thách thức toàn cầu. Đó là các cú sốc đã giáng vào nền kinh tế vốn đã suy yếu vì đại dịch, như xung đột Nga - Ukraine, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc…

Trong khi đó, các chuyên gia của WB thì cảnh báo quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu trong khi triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi cộng với rủi ro lạm phát gia tăng. Còn theo các chuyên gia đến từ ngân hàng HSBC, Việt Nam cần hết sức lưu ý những “cơn gió ngược chiều” cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Do đó, WB khuyến cáo các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó trước những rủi ro, bao gồm: Tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới, cùng với đó là sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu hay sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới. Trước những tác động tiêu cực, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud cho rằng, nếu kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thắt chặt hơn đối với các chính sách tài khóa, giúp kiểm soát áp lực lạm phát đang gia tăng. Ở chiều ngược lại, nếu những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, cần đảm bảo đưa ra các phản ứng tài khóa kịp thời, đồng thời linh hoạt hơn trong việc tái phân bổ nguồn vốn trong gói phục hồi kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Dư luận quốc tế về kinh tế Việt Nam: NỀN KINH TẾ ĐẦY HỨNG KHỞI VỚI “ĐỘNG CƠ TÊN LỬA ĐẨY”