Kinh tế Việt Nam: Ổn định vĩ mô, phục hồi ấn tượng nhờ linh hoạt trong điều hành

ANDREW JEFFRIES - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam | 12/01/2023 14:32

(BKTO) - Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đã phục hồi ấn tượng bất chấp những thách thức bủa vây. Thành công này là nhờ sự điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tài khóa cũng như nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, năm 2023, những yếu tố rủi ro bên ngoài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có các chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát mà không cản đà tăng trưởng GDP.

15-ong-andrew-jeffries-01-1-.jpg
Ông Andrew Jeffries

Phục hồi giữa những thách thức

Năm 2022 khép lại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng hết sức phức tạp. Kinh tế toàn cầu suy giảm trước những rủi ro về lạm phát toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực và giá năng lượng tăng lên do ảnh hưởng từ cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine. Ngoài các yếu tố rủi ro từ bên ngoài, nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như: Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, những thách thức từ thị trường tài chính và thị trường lao động.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến ở nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong nửa năm còn lại. Sự phục hồi ấn tượng này là nhờ Chính phủ đã áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt, thích ứng và hiệu quả. Những bứt phá mạnh mẽ còn được hỗ trợ bởi các cân đối vĩ mô vững mạnh, cùng với sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của các ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, nông nghiệp và dịch vụ, tạo ra một lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế.

Sự phục hồi và ổn định của kinh tế vĩ mô năm 2022 có đóng góp của nhiều chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ và tài khóa. Thời gian qua, chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt của Việt Nam cùng với việc kiểm soát có hiệu quả giá các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã góp phần đắc lực trong kiềm chế lạm phát. Lạm phát vẫn được kiểm soát ở dưới mức 4% như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhiều lần liên tiếp nâng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên và các đồng tiền nội địa của các quốc gia khác bị suy yếu. Hậu quả là thị trường chứng khoán sụt giảm, phí bảo hiểm rủi ro tăng lên. Hiện tượng dòng vốn chảy ra khỏi danh mục đầu tư đã xảy ra ở nhiều thị trường trái phiếu. Hơn nữa, đồng USD mạnh lên cũng tạo áp lực đối với nợ công bằng đồng USD của nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh hết sức phức tạp này, việc thắt chặt tiền tệ để kiểm soát và đảm bảo nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước. Việc nâng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động và linh hoạt điều chỉnh tỷ giá hối đoái là cần thiết.

Tuy nhiên, thắt chặt tiền tệ cũng phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Để nền kinh tế phục hồi ổn định, việc khơi thông dòng tín dụng ngân hàng, cụ thể hơn là “nới room” tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tạo điều kiện về nguồn vốn cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam đang kiểm soát tốt nợ công và nợ nước ngoài ở mức thấp hơn so với luật định. Vị thế tài khóa vững chắc và nợ công ở mức thấp tạo nhiều dư địa cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành đầu năm 2022 trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và lớn nhất là phát triển hạ tầng đã hỗ trợ rất nhiều cho phục hồi kinh tế ở Việt Nam. Thời gian qua, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã cho thấy tác động tích cực đối với các doanh nghiệp.

Kiểm soát lạm phát nhưng không cản đà tăng trưởng kinh tế

Với những cân đối vĩ mô được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2023. Tuy nhiên, những yếu tố rủi ro bên ngoài sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Như vậy, có thể nói rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 phụ thuộc nhiều vào diễn biến của kinh tế toàn cầu với những tác động rất khó đoán định của cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

Lạm phát toàn cầu có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Nhiều kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ dần mở cửa trở lại nền kinh tế, đây là tín hiệu rất tích cực cho việc khơi thông dòng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng và phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.Việc kiểm soát bệnh dịch có hiệu quả cho phép dỡ bỏ các hạn chế đi lại, thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Với điều kiện thuận lợi về địa lý, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cùng môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện, Việt Nam vẫn là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những rủi ro, thách thức từ bất ổn kinh tế toàn cầu trong thời gian tới là rất khó lường. Việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới dễ tác động đến tâm lý thị trường và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, các chính phủ trong khu vực cần có những chính sách thích hợp để kiểm soát lạm phát mà không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành kinh tế linh hoạt và thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa. Các nút thắt nội tại cần sớm được tháo gỡ như: Giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông nguồn vốn và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam: Ổn định vĩ mô, phục hồi ấn tượng nhờ linh hoạt trong điều hành