Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cần bỏ quy định trái pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, tranh luận sôi nổi. Tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng phát biểu làm rõ hơn vấn đề này.



Cơ quan quản lý thuế xác định lại nghĩa vụ thuế theo kiến nghị, kết luận của KTNN khi có khiếu kiện

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của KTNN (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra nhà nước (Điều 22), nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý lại quy định này đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về KTNN và tranh tra. Trường hợp cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra cơ quan quản lý thuế mà có phát sinh truy thu thuế, thì có trích lục gửi cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế. Trên cơ sở đó cơ quan thuế ra quyết định nộp thuế; nếu kiểm toán và thanh tra sai, bị kiện thì phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 7 của Luật KTNN về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán và Điều 9, Điều 10 của Luật Thanh tra về trách nhiệm của cơ quan Thanh tra nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của Dự thảo Luật theo hướng:

Trong trường hợp cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước trực tiếp kiểm toán, thanh tra người nộp thuế mà có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp NSNN thì người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị của cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước.

Quy định như trên là phù hợp với quy định pháp luật về KTNN và thanh tra. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của KTNN, Thanh tra nhà nước thì người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện các cơ quan này theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

   
Trường hợp cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước không trực tiếp kiểm toán, thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thì xử lý như sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, đối tượng được kiểm toán, thanh tra (cơ quan quản lý thuế) là đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và Thanh tra nhà nước. Do đó, cơ quan quản lý thuế là người ban hành quyết định truy thu, xử phạt người nộp thuế căn cứ trên kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và Thanh tra nhà nước.

Thứ hai, việc cơ quan KTNN và Thanh tra nhà nước dựa trên các hồ sơ do cơ quan quản lý thuế cung cấp và có yêu cầu người nộp thuế cung cấp tài liệu tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế dẫn đến có một số trường hợp kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và Thanh tra nhà nước có thể chưa đảm bảo chính xác số thuế phải nộp của người nộp thuế và người nộp thuế khiếu nại, khởi kiện cơ quan quản lý thuế (do cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định).

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế và xác định chính xác nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế, đảm bảo cơ quan quản lý thuế phải thực hiện kiến nghị của KTNN và Thanh tra nhà nước và đảm bảo rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu theo hướng: cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị, kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước nếu có phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN, Thanh tra nhà nước thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại số thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 của Dự thảo Luật. Đồng thời, bỏ khoản 4 Điều 110 và khoản 3 Điều 119 của Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

KTNN chịu trách nhiệm đến cùng về kết luận, kiến nghị kiểm toán

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 2, Điều 21 và Khoản 2, Điều 22 của Dự thảo Luật là không phù hợp; trái với quy định của Luật KTNN và Luật Thanh tra.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 21 của Dự thảo Luật đã làm vô hiệu kiến nghị kết luận của KTNN, trái với pháp luật. Cụ thể, Điều 118 Hiến pháp năm 2013 đã quy định, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý sử dụng tài sản công.

Quy định này đồng thời trái với các quy định trong Luật KTNN năm 2015. Theo đó, báo cáo KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán. Nếu không đồng ý với đơn vị kiểm toán, thì đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Như vậy cơ quan KTNN phải chịu trách nhiệm đến cùng với kiến nghị và kết luận của mình chứ không phải là cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm như trong Dự thảo Luật Quản lý thuế.

“Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào bắt cơ quan quản lý thuế phải chịu trách nhiệm nếu như họ bảo lưu quan điểm của mình?”- đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại điểm b, Khoản 2 Điều 21 theo hướng: Trong trường hợp cơ quan KTNN thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của KTNN, cơ quan thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN, cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật. Vấn đề này cũng đã được đưa vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.

Đồng tình cho rằng quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 Dự thảo Luật là không thống nhất với quy định của Luật KTNN, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, trong trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán đã gửi cho cơ quan quản lý thuế thì người nộp thuế cũng có quyền thực hiện quyền khiếu nại đối với kết luận kiểm toán theo quy định của Luật KTNN; không nên quy định là cơ quan quản lý thuế xác minh lại kết luận kiểm toán.

“Tôi đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định này mà thực hiện đúng theo quy định là cơ quan KTNN chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Trong quá trình cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế không đồng tình có thể khiếu nại cơ quan kiểm toán thì KTNN phải có trách nhiệm xác minh lại kết quả mà mình đã kiến nghị và trong quá trình đó có thể phối hợp với cơ quan quản lý thuế để làm rõ hơn nội dung này’- đại biểu Lan bày tỏ.
                
   

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũngphát biểutại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn -TTXVN

   
Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu và báo cáo lại Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật KTNN quy định báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện nhưng báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính. Trong thực tiễn khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra ra quyết định truy thu thuế của người nộp thuế qua kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế đã xảy ra trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Một số trường hợp không đồng ý đã khiếu kiện về quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế chứ không phải kiện kết luận của KTNN hay của Thanh tra Chính phủ. “Người ta kiện là đúng luật, đúng quyền và để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, một là sẽ sửa Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính hoặc là phải quy định vào Luật Quản lý thuế hoặc Luật KTNN mới có cơ sở để xử lý được”- Bộ trưởng cho biết.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

   
Phản hồi ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ đồng tình cao với ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội liên quan đến khoản 2, Điều 21 của Dự thảo Luật.

Tổng Kiểm toán Nhà nước phân tích: Khi KTNN hoặc thanh tra vào kiểm toán, thanh tra cơ quan thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm giải trình. Khi kiểm tra vào một hồ sơ nộp thuế nào đó thì cơ quan thuế phải cử cán bộ để làm việc với đoàn thanh tra, kiểm toán; chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ, giải trình và phản biện với đoàn thanh tra, kiểm toán. Khi lập biên bản rồi thì điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan thuế đã phối hợp cùng làm với cơ quan thanh tra, kiểm toán và kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra cơ quan thuế phải thực hiện. Cơ quan thuế phải ra quyết định để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. “Nếu người nộp thuế không đồng ý mà kiện quyết định của cơ quan thuế là hoàn toàn đúng và KTNN cũng chịu trách nhiệm về kết luận của mình đối với cơ quan thuế; cơ quan thuế cũng có quyền đồng ý hoặc khiếu kiện đối với kết luận kiểm toán”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
         
Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước
   1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
   2. Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế:
   a) Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của cơ quan Kiểm toán nhà nước. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước thì người nộp thuế có quyền khiếu nại kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước.
   b) Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước nếu có phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
   (Trích Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội)
N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cần bỏ quy định trái pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước