Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự - Ảnh: Sưu tầm |
Mở rộng điều trị bằng thuốc ARV
Tại hội nghị, ông Eamonn Murphy - Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định rằng: “Việt Nam đang chứng minh cho toàn châu Á Thái Bình Dương một cách thức mới để tiến về phía trước, với việc đưa điều trị bằng thuốc ARV vào bảo hiểm y tế (BHYT) là điểm quan trọng đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Có thể còn nhiều thách thức trong việc tiếp tục mở rộng quy mô, nhưng phải tiếp cận được những người cuối cùng để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Số ngày chờ từ khi đăng ký điều trị đến khi được điều trị giảm từ trên 350 ngày (năm 2011) xuống 0 ngày (năm 2018).
Tại Việt Nam, gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông rộng rãi sẽ giúp người dân tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực, sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Từ năm 2012 việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh”.
Bên cạnh mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao liên tục.
Đánh giá cao hoạt động này, bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới.”
Hướng tới điều trị ARV bền vững bằng BHYT
Để bảo đảm điều trị ARV bền vững trong bối cảnh các nguồn tài trợ nước ngoài cắt giảm và kết thúc vào năm 2020, Việt Nam đã và đang chuyển đổi thay thế từ nguồn viện trợ sang nguồn quỹ BHYT. Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua BHYT.
Việt Nam đang dần thay thế điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang quỹ BHYT - Ảnh: Sưu tầm |
PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, chúng ta đã chuyển đổi thành công trên 42.000 bệnh nhân chỉ trong 6 tháng (từ tháng 3/2019 - 9/2019). Đây là thành công của Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi sang BHYT theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để đảm bảo rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác vào năm 2020, kết thúc AIDS vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều thách thức. Bên cạnh thách thức về nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm, việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm vẫn là thách thức lớn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các bài học kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV, nhìn nhận các tồn tại và thách thức, trên cơ sở đó xác định các biện pháp để mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo sự bền vững của chương trình điều trị HIV/AIDS. Trên cơ sở các hoạt động thực tiễn tại địa phương, đơn vị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.
THANH XUYÊN