Đưa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hội nhập thế giới công nghệ số

(BKTO) - Hòa chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong những năm gần đây, KTNN đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi mặt hoạt động của KTNN và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Những thành quả đó đều có dấu ấn của Trung tâm Tin học (TTTH) trong vai trò tham mưu, triển khai thực hiện.



Chuyển dần cách thức làm việc truyền thống sang môi trường mạng

Thực hiện chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin mạng của KTNN; cung cấp các dịch vụ về CNTT theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2015-2020, tập thể TTTH đã phát huy vai trò, trách nhiệm và nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
                
   

Cán bộ TTTH giới thiệu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những ứng dụng công nghệ hỗ trợ đang phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý điều hành của KTNN, đặc biệt là hoạt động kiểm toán

   

Đáng chú ý, trong thời gian qua, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành đã được đẩy mạnh; việc xử lý, luân chuyển văn bản, hồ sơ tài liệu điện tử được thực hiện trên môi trường mạng thông qua phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; triển khai chữ ký số và liên thông văn bản điện tử với các Bộ, ngành thông qua trục liên thông quốc gia; công tác quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý tài sản, kế toán,... cũng được thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng; tích hợp và triển khai Ứng dụng trên thiết bị di động, giúp công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo KTNN thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý cũng như công tác chuyên môn của Ngành.
                
   

Nhiều hội nghị của Ngành đã được tổ chức thông qua hệ thống thông tin trực tuyến

   

Bên cạnh việc triển khai các phần mềm ứng dụng, TTTH đã tổ chức xây dựng hạ tầng CNTT ngày càng đồng bộ, đảm bảo chất lượng, Trung tâm dữ liệu (TTDL) đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đặc biệt, trong năm 2019, KTNN đã xây dựng TTDL dự phòng kết nối, chạy đồng bộ, song song với TTDL chính. Hệ thống TTDL và hệ thống mạng KTNN được đầu tư với công nghệ hiện đại, tiên tiến, đáp ứng quy mô triển khai các ứng dụng và dịch vụ mạng của Ngành.

Cùng với hệ thống mạng KTNN, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN Trung ương, hoạt động hiệu quả phục vụ cho các buổi hội nghị giao ban trực tuyến hằng tháng, các buổi học tập, hội thảo trao đổi chuyên môn,... của KTNN.
         
Để làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT của Ngành, trong giai đoạn vừa qua, TTTH đã thực hiện tham mưu giúp KTNN xây dựng Chiến lược, Đề án, Kế hoạch phát triển CNTT của Ngành. Theo đó, trong 5 năm qua, hàng loạt các Chương trình, đề án, văn bản, Chỉ thị, chính sách về CNTT, như: Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch ứng dụng CNTT của KTNN hằng năm; Chỉ thị số 735/CT-KTNN ngày 09/4/2018 về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN; các quy chế quy định về quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng. Đặc biệt, năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT của KTNN trong thời gian tới. Đây là Chiến lược quan trọng nhằm định hướng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT của KTNN giai đoạn tới, giúp cho KTNN thực hiện chuyển đổi số, thích ứng với sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với đội ngũ cán bộ tin học được đào tạo bài bản, TTTH trực tiếp quản trị, vận hành TTDL chính tại Trụ sở KTNN - số 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội và TTDL dự phòng tại Trụ sở KTNN - số 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội của KTNN đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, an toàn cho toàn bộ hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động của Ngành. Đồng thời, thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng: Thường xuyên, định kỳ thực hiện kiểm tra an toàn, bảo mật cho TTDL và hệ thống mạng KTNN; có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phá hoại của virus, tấn công mạng từ bên ngoài; kịp thời cập nhật, khắc phục các lỗ hổng về bảo mật đối với hệ thống máy chủ, thiết bị tường lửa, thiết bị mạng,… tại TTDL của KTNN; tổ chức rà quét các thiết bị mạng chứa các lỗ hổng về an toàn, bảo mật.

Theo Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà, việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả ứng dụng CNTT đã góp phần tích cực vào cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán, từng bước tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại trong KTNN.

Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác CNTT trong giai đoạn vừa qua của TTTH phải kể đến việc xây dựng và triển khai hàng loạt phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực kiểm toán.                
   

Tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm trong lĩnh vực kiểm toán của KTNN

   

Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng KTNN khi xác định “Nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán vô cùng quan trọng vừa mang tính đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của KTNN vừa là xu thế thời đại”, TTTH đã tổ chức triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều phần mềm hỗ trợ công tác kiểm toán, giúp cho KTNN quản lý tiến độ kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; công tác tổng hợp kết quả kiểm toán cũng được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác, phục vụ kịp thời việc công khai kết quả kiểm toán, xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hằng năm của KTNN trình Quốc hội.

Việc theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán cũng được quản lý trên phần mềm, giúp cho KTNN theo dõi quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị một cách chính xác, kịp thời. Việc ứng dụng CNTT cũng đã góp phần nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua việc ghi và kiểm soát nhật ký kiểm toán trực tuyến. Ngoài ra, KTNN còn xây dựng các công cụ hỗ trợ cho kiểm toán viên thực hiện các kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, DN, ngân hàng, bước đầu phát huy hiệu quả, qua đó giúp cho kiểm toán viên cắt giảm thời gian kiểm toán, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, KTNN đã thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán, hình thành hồ sơ kiểm toán điện tử; đến thời điểm hiện tại đã số hóa được hơn 7 triệu trang tài liệu các loại, cập nhật gần 6 triệu trường thông tin hồ sơ, tài liệu để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán.
                
   

Chi bộ TTTH tại Đại hội Chi bộ TTTH nhiệm kỳ 2020-2025

   

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTTH, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, những dấu ấn thành tích nổi bật đã cho thấy những nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị. Ở vào đúng thời điểm thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước cuộc cách mạng mới về công nghệ, đất nước nói chung và KTNN nói riêng hòa mình mạnh mẽ vào dòng chảy hội nhập đó. Không ai khác, TTTH đã được giao nhiệm vụ giúp KTNN mở cánh cửa để hội nhập vào thế giới qua công nghệ số. Từ sự tích cực, khẩn trương với tinh thần làm việc trách nhiệm của các cán bộ TTTH, những nền tảng dữ liệu được xây dựng, những phần mềm mới ra đời làm thay đổi căn bản hoạt động điều hành của KTNN, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, đang dần đưa KTNN theo đúng lộ trình chuyển đổi số.

Những kết quả đạt được toàn diện của đơn vị trong giai đoạn vừa qua được Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà đúc rút trong mấy điều cơ bản, như: luôn coi nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ chính trị của Ngành, vì thế đơn vị cần dốc sức thực hiện; tiếp đó, đơn vị luôn khơi dậy, phát huy trách nhiệm, năng lực và “lửa nghề” của đội ngũ cán bộ; nêu cao tinh thần đoàn kết, trợ giúp trong công việc...

Tuy nhiên, sẽ là thiếu, nếu không đề cập đến công tác thi đua, khen thưởng. “Trong giai đoạn vừa qua, đơn vị luôn xác định công tác thi đua khen thưởng đóng vai trò quan trọng, từ đó đẩy mạnh các phong trào thi đua sâu, rộng và đều khắp trong toàn đơn vị để thi đua thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị” - Giám đốc Phạm Thị Thu Hà cho biết.

Theo bà Hà, từ kinh nghiệm tại đơn vị cho thấy, để phong trào thi đua đạt hiệu quả, cần xây dựng và phát động phong trào thi đua với các nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể và bám sát nhiệm vụ chính trị, đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng năm, từng giai đoạn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai công tác thi đua, kịp thời đề ra các biện pháp thực hiện thiết thực nhằm động viên khuyến khích các tập thể, cá nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; cần phát hiện kịp thời các nhân tố mới, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, đảm bảo việc khen thưởng phải chính xác, khách quan, công bằng, từ đó nhân rộng các tấm gương điển hình, tiên tiến trong toàn đơn vị.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đưa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hội nhập thế giới công nghệ số