Đưa Xuân ấm đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc

(BKTO) - Những vạt rừng trải dài xanh tít tắp, những nương ruộng bậc thang mùa nước đổ và điểm sáng bởi sắc đào, sắc mận làm say đắm lòng người khi đến với mảnh đất địa đầu vùng cao Xín Mần (tỉnh Hà Giang) mỗi dịp tết đến, xuân về. Niềm vui ấy được nhân lên khi diện mạo nông thôn nơi đây đang ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào dân tộc được nâng lên với số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm.

xm-3.jpg
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan, cùng sự nỗ lực vươn lên, đời sống của người dân Xín Mần ngày càng được nâng lên. Ảnh: N.Lộc

Huyện 30a từng bước thoát nghèo

Vượt gần 400km từ Thủ đô Hà Nội, đoàn chúng tôi có mặt tại Xín Mần một ngày cuối tuần khi sắc xuân đang ngập tràn khắp đất trời. Vẫn những cung đường ngoằn nghèo, những khúc cua tay áo khiến bất cứ tay lái lão luyện nào cũng phải dè chừng, nhưng những cung đường “đau khổ” nay bớt khổ hơn vì đã được làm mới, cải tạo qua các năm.

Xín Mần là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang và là huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được Nhà nước quan tâm đầu tư.

Xác định giảm nghèo là một trong những tiêu chí cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Xín Mần đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, giải pháp giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.

xm-1.jpg
Diện mạo đổi mới tại huyện vùng cao Xín Mần hôm nay... Ảnh: N.Lộc

Ông Phan Duy Hiền - Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Trong quá trình triển khai, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Xín Mần đã huy động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các Chương trình giảm nghèo của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh.

Xuất phát điểm là một huyện nghèo, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún… là những trở ngại lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đối với huyện Xín Mần. Từ thực tiễn đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các mục tiêu và chương trình giảm nghèo bền vững. Do đó, một trong những thành công của công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng lõi Xín Mần là từng bước thay đổi được tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước ở một số cán bộ và người dân.

Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, năm 2023, huyện Xín Mần giảm được 846 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện có 6.604 hộ, chiếm tỷ lệ 44,97% số hộ dân toàn huyện.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện Xín Mần đã tập trung triển khai chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; làm tốt công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động và hướng dẫn người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp, công ty tại các tỉnh trong nước để giúp người dân tăng thu nhập từ các ngành nghề được đào tạo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau…

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế của địa phương về lâu dài, huyện cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Những ngày giáp Tết, huyện Xín Mần đã thành lập nhiều đoàn thăm và tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trên địa bàn. Đây là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho nhân dân khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong đó, phong trào “Tết nhân ái” Xuân Giáp Thìn 2024 được huyện phát động đã tạo sự lan tỏa rộng rãi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, toàn huyện có địa hình miền núi, bị chia cắt, dân số đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Đơn cử như xã Pà Vầy Sủ được biết đến là vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Nơi đây có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống gặp nhiều khó khăn… Do đó, "sự chung tay hỗ trợ của các ngành chức năng đều có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo động lực cho địa phương, người dân vượt khó vươn lên…" - ông Hiền cho biết.

Sự quan tâm của các cơ quan, các nhà hảo tâm, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước luôn có ý nghĩa lớn, giúp tạo động lực cho địa phương, người dân trên địa bàn có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, cũng như đón Tết đủ đầy, no ấm hơn.

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Phạm Duy Hiền

Niềm vui đó càng như nhân lên khi mỗi dịp Tết Nguyên đán, địa phương lại được đón các nhà hảo tâm về thăm, tặng quà và động viên người dân, giúp các gia đình có cái tết no ấm, đủ đầy hơn để hướng đến năm mới hứng khởi, thành công hơn.

Phát huy tinh thần chung tay vì cộng đồng, "không để ai bị bỏ lại phía sau", trong những ngày giáp Tết cổ truyền, dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều đơn vị, tổ chức trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Những món quà tuy nhỏ, nhưng thể hiện tình cảm, sự quan tâm, sẻ chia của đoàn viên, thanh niên KTNN đến với học sinh nghèo vùng cao, cũng như lan tỏa truyền thống "lá lành đùm lá rách" trong công chức, viên chức, người lao động KTNN. 

_dsc6552.jpg
Tuổi trẻ KTNN sẻ chia, góp thêm nguồn lực để người dân vui đón Tết

Đặc biệt, cũng trên địa bàn huyện, Đoàn Thanh niên KTNN đang phối hợp tài trợ xây dựng công trình nhà nội trú Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần với trị giá 15 tỷ đồng.

Theo Bí thư huyện đoàn Xín Mần Lộc Văn Huy, đại đa số học sinh trên địa bàn là con em các hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số như: Nùng, Mông, Tày, Dao, Hoa, Sán Chay, Mường... Con đường đến trường của các em còn gặp nhiều chông gai, trong đó có học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần. 

Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN Lê Mạnh Cường kỳ vọng, công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của huyện nói chung, đồng thời động viên tinh thần, ổn định công tác giảng dạy cho thầy, trò nhà trường. Theo anh Lê Mạnh Cường, đây là công trình thiết thực để chăm lo cho thế hệ tương lai của địa phương, đất nước, đồng thời cũng là công trình thanh niên trọng điểm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 thành lập KTNN. 

275842837-2987185748161011-8837471572372916827-n_1647508382_20220319083050.jpg
Nét đẹp thơ mộng của những vạt rừng thắm màu hoa đào bung nở dịp Tết... 

Đoàn chúng tôi rời đi trong sắc màu hoa mận, hoa đào bung nở rợp góc trời. Phía xa, trên công trường thi công công trình do KTNN tài trợ, công nhân đang gấp rút triển khai công việc theo kế hoạch để công trình sớm thành hình.

Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay của cả xã hội, KTNN đang góp một phần nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cho người dân; cũng như động viên, từng bước giúp thay đổi nhận thức, ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số về thoát nghèo. 

Và chúng tôi tin, với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, sang xuân mới, diện mạo nông thôn, đời sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc sẽ sớm có những khởi sắc mới…

Cùng chuyên mục
Đưa Xuân ấm đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc