Đừng để “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”

(BKTO) - Trong quá trình sáng lập, rèn luyện, phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2-.jpg

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: Có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đưa ra những quan điểm, chủ trương, biện pháp liên quan đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Tháng 9/1948, Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ những người cán bộ phải thực hành cho kỳ đúng chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tháng 01/1960, Người nhấn mạnh từ tỉnh, huyện đến chi bộ đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Lãnh đạo phải tập thể… Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái bệnh bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Nhưng đồng thời Người chỉ rõ: Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Vì vậy, Người xác định phải thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: “Lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân”. Hồ Chí Minh cũng làm rõ tác dụng của việc thực hiện tốt và tác hại của việc thực hiện chưa tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trên Báo Sự thật ngày 23/9/1948, Hồ Chí Minh có bài viết bàn về “Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Trả lời câu hỏi: Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?, Người viết: “Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh: “Cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó”. Từ đó, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng bằng cương lĩnh, chiến lược, bằng các định hướng về chính sách, chủ trương lớn; bằng việc tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng thời, Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”. Người cho rằng, nếu không có cá nhân phụ trách, thì: “Sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” là như thế”. Hồ Chí Minh cũng có giải thích, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách. Tháng 5/1950, bàn về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, Người nói: “Lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách nghĩa là công việc thì có nhiều mặt quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, việc gì cũng phải lãnh đạo, muốn lãnh đạo cho chu đáo, mọi việc cần có một đồng chí theo về việc đó để phụ trách. Những đồng chí đó nên có trong Ủy ban của tỉnh, để khi họp thì bàn chung, lãnh đạo các việc trong ấy, bàn xong thì giao cho đồng chí phụ trách thi hành”.

Cùng với việc xác định vai trò to lớn của tập thể lãnh đạo, chỉ ra: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân”, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến vấn đề cá nhân phụ trách. Người nhắc nhở phải xây dựng, rèn luyện những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để phụ trách công việc. Tháng 6/1954, trong bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” đăng trên Báo Nhân Dân, Hồ Chí Minh đề nghị Đảng: “Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công”. Còn nếu đào tạo những cán bộ nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách thì là một việc thất bại cho Đảng.

Người nhắc nhở cán bộ phụ trách phải tránh bệnh đùn đẩy, độc đoán, chuyên quyền. Trong Sửa đổi lối làm việc, tháng 10/1947, Người căn dặn cán bộ lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà phải nên hiểu thấu, Người đánh giá sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân cán bộ cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Và do vậy, ngoài kinh nghiệm của bản thân mình, thì người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để từ đó có thêm kinh nghiệm cho mình. Trên cơ sở phân tích ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ: Không thể giảm bớt một giây, một phút mối liên hệ giữa cán bộ với dân chúng, phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã và đang là nguyên tắc lãnh đạo quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai thực hiện trên thực tế. Những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được Đảng quán triệt, thực hiện nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn, đem lại thắng lợi to lớn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, nhất là thời kỳ đổi mới đất nước. Đây thật sự được coi là niềm vinh dự tự hào, bài học kinh nghiệm quý, thể hiện sức mạnh nội sinh của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng bằng cương lĩnh, chiến lược, bằng các định hướng về chính sách, chủ trương lớn; bằng việc tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Song, bên cạnh những thành công là cơ bản, trong Đảng vẫn xảy ra những vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, xuất hiện tình trạng chuyên quyền, độc đoán hoặc đùn đẩy, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Đây là những căn bệnh nguy hiểm mà Đảng ta cần kiên quyết, kiên trì sửa chữa, khắc phục bằng ý chí quyết tâm cao, giải pháp phù hợp, khả thi của toàn Đảng, sự tự giác rèn luyện phấn đấu của từng cán bộ, đảng viên, tinh thần hăng hái góp ý, xây dựng của quần chúng nhân dân.

Cấp bách và thiết thực nhất là toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết thống nhất, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”./.

Cùng chuyên mục
Đừng để “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”