Duy trì kinh phí công đoàn, tạo nguồn lực ổn định chăm lo người lao động

(BKTO) - Theo Tổng Liên đoàn Lao động Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, việc tiếp tục quy định mức đóng 2% kinh phí công đoàn tại Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW, giúp đảm bảo nguồn lực chăm lo cho người lao động.

duoi.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: laodong.vn

75% kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động ở cơ sở

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật đưa ra nhiều nội dung và đề xuất mới, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn và quy định mức đóng kinh phí công đoàn trong bối cảnh mới, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật đề xuất giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, kinh phí công đoàn 2% được tính trên quỹ tiền lương tham gia BHXH để phân bổ vào chi phí sản xuất, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm đóng cho tổ chức Công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đồng thời đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Báo cáo công tác quản lý tài chính công đoàn và quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức Công đoàn giai đoạn 2013-2023 phục vụ Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi Quốc hội cho thấy, nguồn thu tài chính công đoàn giai đoạn 2013-2023 được phân phối cho công đoàn cơ sở (CĐCS) là chủ yếu.

Cụ thể, nếu năm 2013, CĐCS chỉ được sử dụng 65% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn và 100% số thu khác, thì từ năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 theo đó nguồn kinh phí công đoàn dành cho CĐCS mỗi năm tăng 1%.

Năm 2021, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn là: Nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 71% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn, 100% nguồn thu khác; tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

Từ năm 2022, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn là: Nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu kinh phí công đoàn (trước thời hạn 3 năm so với mốc năm 2025 tại Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ), 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn.

Tính đến năm 2023, tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn cho CĐCS đã tăng 10% so với năm 2013.

Từ năm 2023, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu kinh phí công đoàn (tăng 10% so với năm 2013), 70% nguồn thu đoàn phí công đoàn (tăng 10% so với năm 2013), 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn các cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

Mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động

Qua khảo sát tại các công đoàn cơ sở, ở phần lớn công đoàn cơ sở doanh nghiệp, nhiều năm qua, ban chấp hành công đoàn đã công khai cho đoàn viên, người lao động biết danh mục quyền lợi (gồm cả mức chi) hàng năm mà họ được hưởng (ví dụ: thăm hỏi ốm đau, quà tết, chi 8/3, 20/10, chi 1/6, Rằm Trung thu, chi Ngày Quốc tế Lao động…).

cong-doan.jpg
Việc đóng kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động mang lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. Ảnh: ST

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu/tháng thì trong 01 năm doanh nghiệp phải đóng KPCĐ khoảng 1,4 triệu đồng; khi đó, 75% số KPCĐ đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao...

Đối với doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh có phần đóng góp quan trọng của người lao động, ngoài chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội thì việc đóng kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động cũng là một cách để phát huy vai trò và trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động trong việc phối hợp cùng tổ chức Công đoàn chăm lo cho người lao động, nguồn tài sản vốn quý nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (khoảng 0,38%). Nhưng việc sử dụng mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động, góp phần tạo lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, người lao động được chăm lo tốt hơn, yên tâm làm việc.

Quá trình thảo luận, góp ý vào Dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với việc duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo các đại biểu, quy định này đã được thực hiện ổn định từ năm 1957 đến nay, nhằm đảm bảo phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, việc tiếp tục thực hiện quy định này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới./.

Cùng chuyên mục
Duy trì kinh phí công đoàn, tạo nguồn lực ổn định chăm lo người lao động