Năm 2020, Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Ảnh: V.Hoàng
Kinh tế còn dư địatăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Đáng chú ý, Báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Việt Nam cũng có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, đối với mục tiêu phát triển kinh tế, Việt Nam đạt cả 3 yêu cầu là ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và tăng cường kết nối. Trong bối cảnh “đen tối” của nền kinh tế toàn cầu thì “bếp lửa” của nền kinh tế Việt Nam vẫn “sáng đèn” - Chủ tịch VCCI so sánh. Đó là nhờ vào 3 “chân kiềng” - đổi mới thể chế, hội nhập, thúc đẩy chuyển đổi số - của nền kinh tế vẫn được giữ vững và tạo động lực cho tăng trưởng.
Ông Trịnh Minh Anh - Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế - nhấn mạnh, hội nhập là chủ trương lớn của đất nước. Việt Nam tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường rộng lớn. Nhưng cần lưu ý, xu hướng kinh tế mạng và kinh tế số sẽ ngày càng phát triển mạnh, GDP tạo ra do kinh tế số sẽ ngày càng tăng. Hệ quả là cạnh tranh tăng lên mặc dù công ty nước ngoài không cần hiện diện ở Việt Nam và sự phụ thuộc vào thương mại quốc tế rất cao do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Nếu kinh tế phát triển quá nhanh, DN Việt Nam sẽ không theo kịp đầu tư nước ngoài. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là chúng ta cần phải cố gắng tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP - ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị. Đồng thời, chúng ta vẫn phải tiếp tục tận dụng thị trường Trung Quốc nhưng cũng phải có chiến lược phòng vệ, lập lại sự cạnh tranh công bằng, dựng hàng rào cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), xóa bỏ những ưu đãi quá mức cho DN FDI và tạo thuận lợi cho các DN Việt.
Cần tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ
Đồng quan điểm với ông Trịnh Minh Anh, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - nhận định rằng, với 13 FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực; Hiệp định RCEP mới được ký kết và 2 FTA khác đang được đàm phán thì Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nhìn ở một góc độ tích cực hơn, ông Nguyễn Vân cho rằng, FDI đang dịch chuyển cũng như giúp Việt Nam tăng tính bền vững trong chuỗi kết nối. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30 - 40% trên toàn cầu năm 2020. Đây là kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.
Cũng đề cập đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN - đánh giá, quy mô kinh tế Internet Việt Nam năm 2020 đã đạt đến 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019, bất chấp đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Dự báo, kinh tế Internet của Việt Nam tiếp tục đạt quy mô trên 50 tỷ USD trong 5 năm tới và xét trong khu vực ASEAN chỉ đứng sau Indonesia.
Nhận định rằng những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ rất kịp thời và bao phủ, tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đất nước chưa thoát khỏi những khó khăn, DN vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm… Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực. Dịch Covid-19 tác động xấu tới gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế như: du lịch, lưu trú ăn uống, giải trí, vận tải, logistics, phân phối, công nghiệp chế tác, công nghiệp khai khoáng và cả nông nghiệp. Do đó, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và DN.
Đề xuất giải pháp, theo ông Vũ Tiến Lộc, song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời, những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế sau đại dịch như hàng không, du lịch.