(BKTO)- Sau những bất đồng, cuối cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã vượt qua những khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, trị giá 750 tỷ euro.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Quỹ phục hồi "đầy tham vọng"

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử 63 năm với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay.

Cuối tháng 5 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Đức và Pháp, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một gói kích thích "khổng lồ" lên tới 750 tỷ euro (856 tỷ USD), trong đó 500 tỷ euro (551 tỷ USD) theo hình thức tài trợ và 250 tỷ euro (275 tỷ USD) theo hình thức cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng, với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.

Số tiền 500 tỷ euro sẽ được EC huy động trên thị trường, sau đó sẽ chuyển thông qua ngân sách châu Âu cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh", chuyển đổi sinh thái và tăng cường chủ quyền của châu Âu.

Trong đề xuất ngân sách mới cho giai đoạn 2021-2027 với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ euro (1.212 tỷ USD), EC đặt mục tiêu tăng cường sức mạnh, củng cố chương trình chính trị, đặc biệt là Hiệp ước xanh và số hóa nền kinh tế xã hội. Có thể thấy, EC đã không "bỏ rơi" tham vọng đưa châu Âu đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với mục tiêu là trung lập carbon vào năm 2050.

Những người đề xuất kế hoạch chuyển đổi này lập luận đầu tư vào kinh tế "xanh" là có lợi và thậm chí đó là con đường phải theo để tăng trưởng trở lại; ngược lại sẽ không thể tránh một thảm họa tàn khốc khác do sự nóng lên toàn cầu.

EC cũng tập trung vực dậy nền công nghiệp, khi mà cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ "điểm yếu" của ngành công nghiệp châu Âu: phụ thuộc rất nhiều vào các liên kết bên ngoài. Gần 20 đề xuất đã được đệ trình, liên quan đến tăng cường các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất như du lịch, sản xuất ô tô và đầu tư vào các chuỗi giá trị.

Gói hỗ trợ kinh tế lên tới 750 tỷ euro là một “cuộc cách mạng” thực sự trong lịch sử bởi EC chưa từng đề xuất vấn đề nợ chung quy mô lớn như vậy ở châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Các quốc gia này cho rằng các khoản viện trợ không thể được cấp cho các thành viên một cách dễ dàng và tiền quỹ sau này phải được hoàn trả. Đề xuất ngân sách dài hạn trị giá hơn 1.000 tỷ euro cũng đã gây chia rẽ trong EU.

Tìm kiếm sự đồng thuận trong khó khăn

Nhiều thành tố trong gói kích thích do EC công bố, đặc biệt là vấn đề ngân sách châu Âu giai đoạn 2021-2027 đã trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận phức tạp và khó khăn giữa 27 nước thành viên.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 18-19/6 các nước thành viên không thống nhất được về tổng thể, quy mô, tài chính, cũng như chương trình đối với ngân sách dài hạn. Trong khi các nước giàu có phương Bắc muốn giảm khoản chi cho nông nghiệp và quỹ gắn kết, các quốc gia Nam Âu muốn nhiều tiền hơn để đối phó với suy thoái kinh tế, thì các nước phía Đông, cũng ủng hộ khu vực Nam Âu, nhưng đồng thời cũng rất cảnh giác với khả năng các quỹ liên kết bị cắt giảm.

Với mục tiêu cuối cùng là các nhà lãnh đạo EU sớm đạt được thỏa thuận nhằm làm rõ quy mô và thời gian của kế hoạch phục hồi, cũng như các vấn đề về cho vay và tài trợ, song sau ba ngày thảo luận 17, 18 và 19/7, Hội nghị thượng đỉnh EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc phân bổ hỗ trợ đối với Quỹ phục hồi. Nhóm các nước chủ trương tiết kiệm gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, đề xuất giảm Quỹ phục hồi xuống 700 tỷ euro, trong đó gồm 350 tỷ euro hỗ trợ và 350 tỷ euro cho vay. Tuy nhiên, Italy và Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của Pháp và Đức, không muốn cắt giảm Quỹ phục hồi, ở mức 750 tỷ euro, cũng như cắt giảm khoản hỗ trợ trị giá 400 tỷ euro.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, trong sáng 20/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm các nước chủ trương tiết kiệm. Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, các quan chức cho biết EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỷ euro, nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, theo đó, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ. Gói ngân sách dài hạn hơn 1.000 tỷ euro có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, nhưng cuối cùng, mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tích cực. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong tình huống đặc biệt đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận.

Với nhiều người, hội nghị thượng đỉnh lần này là một thời khắc quan trọng đối với gần 70 năm hội nhập của châu Âu, và một sự thất bại của hội nghị có thể khiến các thị trường tài chính rối loạn, làm dấy lên những hoài nghi về sự duy trì của khối. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia EU rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng do dịch bệnh, khu vực đồng euro có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Việc lãnh đạo 27 nước thành viên EU, những người chịu trách nhiệm với các công dân ở châu Âu, đồng lòng vượt qua trở ngại tại Hội nghị thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử đã gửi đi dấu hiệu cụ thể về sức mạnh hành động của châu Âu và là thời khắc trọng đại trong hành trình của EU đến tương lai. Thỏa thuận được ví như "Kế hoạch Marshall" chống dịch Covid-19, giúp khối có thể chia sẻ các nguồn lực tài chính nhằm chống lại các thách thức từ đại dịch này.

Dù chặng đường phục hồi còn dài và đầy khó khăn song nỗ lực đưa kế hoạch phục hồi kinh tế của EU "về đích", cũng cho thấy "tầm nhìn xa trông rộng" vì lợi ích của toàn khối hơn là lợi ích của từng quốc gia đơn lẻ của các nhà lãnh đạo EU bởi bất kỳ sự tính toán thiệt hơn nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU và tương lai của toàn khối.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
EU và thỏa thuận lịch sử