EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa

(BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu
Một trong những trọng tâm của EVN trong lộ trình sắp xếp, tái cơ cấu là phải tách bạch hoạt động quản lý vận hành và dịch vụ sửa chữa. Do vậy, trong năm 2018, EVN đã trình Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (UBQLVNN) xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN. Thực hiện theo Công văn số 1528/TTg/ĐMDN ngày 02/11/2018, EVN đã hoàn thành việc sắp xếp, thành lập mới các đơn vị, gồm: 3 Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3; Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN; 2 đơn vị phát điện quản lý Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4; các đơn vị này đều chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019. Từ cuối năm 2018, EVN cũng đã hoàn thành Đề án Chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV gửi lên UBQLVNN xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án Tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện của các tổng công ty điện lực thuộc EVN giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng cho biết, hiện Đề án đang được triển khai tích cực để hoàn thành trong năm 2019 nhằm đẩy nhanh lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, lĩnh vực quản lý lưới điện phân phối do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện sẽ được cổ phần hóa phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực, Nhà nước nắm giữ trên 50 - 65%. Do vậy, EVN đã hướng dẫn các tổng công ty điện lực triển khai hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện từ ngày 01/01/2016; phê duyệt mô hình tổ chức của các công ty điện lực/điện lực cấp quận/huyện trong Tập đoàn theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận quản lý vận hành và kinh doanh điện.
Có thể nói, công tác tái cơ cấu của EVN đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Từ năm 2017 đến nay, các tổng công ty điện lực của EVN đã từng bước tách bạch về mặt tổ chức, tạo thuận lợi cho việc hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới tách bạch về tổ chức giữa hai khâu này trong thị trường bán lẻ điện. Hiện nay, EVN đang xây dựng Đề án Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm, dự kiến sẽ trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 7/2019; Dự án Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện bán buôn hoàn chỉnh cũng đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Tích cực cổ phần hóa, thoái vốn
Sau những bước triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả khả quan, năm 2019, EVN đặt mục tiêu sẽ hoàn thành công tác thoái vốn.
Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Tập đoàn hoàn thành thoái vốn tại 100% các DN không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, thu về hơn 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước.
Giai đoạn 2016-2020, EVN cũng đã hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 01/10/2018. Ngay sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán. Đồng thời, Tập đoàn cũng thực hiện thoái, giảm vốn tại 2/6 DN thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc thoái vốn tại Công ty Cơ điện Thủ Đức với tổng giá trị vốn đầu tư theo mệnh giá là 45,95 tỷ đồng, EVN đã thu về số tiền 77,51 tỷ đồng, thặng dư 31,56 tỷ đồng. Các phương án thoái vốn tại các công ty cổ phần còn lại (giai đoạn 2019-2020) đã được EVN trình UBQLVNN phê duyệt. Hiện EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các DN còn lại, với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019 - ông Trần Đình Nhân cho biết.
Song song với việc hoàn thành cổ phần hóa EVNGENCO 3, tại Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2), EVN đã có Công văn trình UBQLVNN về kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa EVNGENCO 2 vào cuối tháng 01/2019. Đến ngày 06/3/2019, UBQLVNN đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa EVNGENCO 2. Theo đó, ngày 13/3/2019, EVN cũng đã thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Còn tại Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), EVN đã có Công văn đề xuất UBQLVNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời điểm xác định giá trị DN để cổ phần hóa EVNGENCO 1 vào ngày 01/01/2020. Về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất, đến cuối tháng 3/2019, đã có 8/10 UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa EVNGENCO 1, chỉ còn phương án sử dụng đất tại Đà Nẵng và Hà Nội chưa được phê duyệt. Do đó, EVNGENCO 1 đã báo cáo, tiếp tục đôn đốc các tỉnh phê duyệt nốt để đảm bảo điều kiện cổ phần hóa…
         
Năm 2019, EVN sẽ hoàn thành công tác quyết toán chi phí cổ phần hóa EVNGENCO 3 và bàn giao vốn, tài sản sang công ty cổ phần; xác định giá trị DN của EVNGENCO 2 đồng bộ với kế hoạch cổ phần hóa được duyệt; thực hiện lập dự toán chi phí cổ phần hóa và lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN sau khi UBQLVNN ban hành Quyết định cổ phần hóa…
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn, phức tạp, các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và DN niêm yết cần bình tĩnh để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.
  • Việt Nam đang đứng trước nguy cơ  khủng hoảng tài nguyên nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.
  • Hệ thống cảng biển Việt Nam:  Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được lợi thế
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Vì vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển của Việt Nam trong phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.
  • Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng đa phương thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 07/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".
  • Chấn chỉnh việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Mặc dù điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định khá chặt chẽ, thế nhưng, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH) vẫn tổ chức thi “chui” để cấp chứng chỉ hoặc “lập lờ đánh lận con đen” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa