Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!

(BKTO) - Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn, phức tạp, các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và DN niêm yết cần bình tĩnh để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.



Thị trường chứng khoán còn non trẻ thì tin đồn càng có đất sống

Theo đánh giá của các thành viên thị trường, tin đồn được chia làm 2 loại, gồm: tin đồn xấu gây bất lợi cho các mã chứng khoán và thị trường; tin đồn tốt có thể giúp đẩy giá cổ phiếu lên. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số vụ cũng như toàn bộ thiệt hại và lợi ích của tin đồn tác động đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có thể thấy, thị trường chứng khoán thường hay xuất hiện những tin đồn lãnh đạo cấp cao của DN bị bắt, làm lộ thông tin của khách hàng, vỡ nợ, lừa đảo; hay những tin đồn DN mở rộng sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của DN tăng đột biến, DN được hưởng lợi từ chính sách, mua bán, sáp nhập...

Nhiều chuyên gia chứng khoán từng làm việc tại Mỹ cho biết, mô típ tin đồn lãnh đạo cấp cao bị bắt không còn được ưa chuộng ở Mỹ do kém hiệu quả, nhưng ở thị trường non trẻ như Việt Nam, đây vẫn là công cụ hữu hiệu cho nhiều kẻ trục lợi. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng xuất hiện những tin đồn gây hoang mang cho hàng loạt DN và nhà đầu tư. Có thể kể đến một số vụ việc nổi cộm như: các đối tượng đã tung tin đồn Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDIRECT Phạm Minh Hương, Tổng Giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang bị bắt; hay trường hợp tin đồn Công ty Cổ phần Đất Xanh Đông Á vướng vào kiện tụng, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ... Đặc biệt, năm 2013, tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến cho thị trường “bốc hơi” hơn 2 tỷ USD. Mặc dù tin đồn này sau 5 năm đã trở thành sự thật (năm 2018), nhưng tại thời điểm đó, tác hại của nó gần như không thể kiểm soát.

Không chỉ những tin đồn bắt giữ, vỡ nợ, nhiều thông tin tiêu cực khác cũng từng tạo ra tâm lý đám đông khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Chẳng hạn như: VN-Index đã rớt tới gần 30 điểm sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981, thậm chí các thông tin về giá xăng, đại dịch Ebola, vấn đề Brexit, hay sự biến động của Chỉ số Dow Jones - Mỹ cũng tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam dù mối liên hệ là không rõ ràng.

Tại Tọa đàm “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán” vừa qua, ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho rằng, thông tin là một kênh rất quan trọng tác động đến tâm lý của tất cả mọi người trong lĩnh vực chứng khoán. Tin đồn tồn tại trong mọi thị trường. Khi thị trường chứng khoán còn non trẻ, tin đồn càng có đất sống. Qua sức mạnh của mạng xã hội và công nghệ, sự lan tỏa của tin đồn rất lớn và sẽ gây ra những bất thường trong mọi lĩnh vực kinh tế.

Giải quyết tin đồn - trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thế Thọ, tin đồn là mục tiêu để một nhóm đối tượng nào đó thao túng thị trường và trục lợi. Vì vậy, các đối tượng, chủ thể liên quan trực tiếp phải có phản ứng kịp thời đối với những tin đồn thất thiệt. Cụ thể, khi có tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán - nơi công ty niêm yết công bố thông tin, đưa ra những thông tin phối hợp, hoặc tổ chức các buổi đối thoại kịp thời nhằm ổn định tâm lý của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý giám sát tại sở giao dịch sẽ xây dựng bộ tiêu chí giám sát để theo dõi các hành vi đặt lệnh, hủy lệnh của các nhóm tài khoản làm cơ sở xác định hành vi vi phạm.

Cùng với đó, các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lý để xác minh, kiểm chứng thông tin. Khi xuất hiện tin đồn, các công ty phải có báo cáo giải trình để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Những thông tin buộc phải công bố để tránh rủi ro như: ký kết hợp đồng giá trị, sự cố làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản của công ty... Các cổ đông hoàn toàn có quyền yêu cầu DN cung cấp các thông tin trên, thậm chí có quyền khởi kiện HĐQT DN nếu thông tin không minh bạch. Đồng thời, các cổ đông hay nhà đầu tư cũng nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.

Còn bà Bùi Huyền Trang - Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - cho rằng, khi xuất hiện tin đồn, việc bình tĩnh sẽ giúp DN xử lý tin đồn nhanh chóng và hợp lý. Với những DN niêm yết có bề dày kinh nghiệm trong việc công bố thông tin, họ sẽ có phản ứng ngay bằng cách gửi thông tin giải trình lên các cơ quan quản lý. Trường hợp xác định tin đồn không có căn cứ, DN cũng cần giải trình và thông tin xác đáng đến các nhà đầu tư.

Đồng quan điểm trên, ThS. Trần Thanh Bình - Phó trưởng Khoa Truyền thông, Đại học Đại Nam - khuyến nghị, khi bị tin đồn xấu, DN cần phải nhanh chóng thành lập Ban Xử lý khủng hoảng do giám đốc hoặc tổng giám đốc đứng đầu để xác định được nguyên nhân và công bố chính thức trong vòng 48 tiếng kể từ khi phát hiện tin đồn. Bên cạnh đó, DN cũng phải thiết lập một bộ phận cập nhật thông tin liên quan đến sự việc để cung cấp thường xuyên cho báo chí cho đến khi khủng hoảng được xử lý xong. DN nên hạn chế dùng mạng xã hội để xử lý khủng hoảng vì những thông tin trên mạng xã hội thường không chính thống nên mức tin cậy không cao.

Ngoài ra, ông Bình cũng lưu ý, để giảm thiểu được những tác động của tin đồn đến thị trường, sự minh bạch thông tin là vô cùng quan trọng. Thực tế, việc kiểm soát và quản lý tin đồn không chỉ là nhiệm vụ của riêng DN mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý. Ở tầm quốc gia, xử lý các tin đồn liên quan đến thị trường chứng khoán, trách nhiệm trước hết thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính…

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
  • EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Việt Nam đang đứng trước nguy cơ  khủng hoảng tài nguyên nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.
  • Hệ thống cảng biển Việt Nam:  Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được lợi thế
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Vì vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển của Việt Nam trong phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.
  • Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng đa phương thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 07/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".
  • Chấn chỉnh việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Mặc dù điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định khá chặt chẽ, thế nhưng, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH) vẫn tổ chức thi “chui” để cấp chứng chỉ hoặc “lập lờ đánh lận con đen” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!