FDIC mở điều tra liên quan đến sự sụp đổ của SVB và Signature Bank

(BKTO) - Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đang điều tra một số lãnh đạo và nhân sự có liên quan đến vụ phá sản của hai ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank để xem liệu có sai phạm xảy ra hay không.

svb-dw.jpg
FDIC đã mở một cuộc điều tra liên quan đến vụ phá sản của hai ngân hàng SVB và Signature Bank - Nguồn: DW

FDIC đã khởi động các cuộc điều tra

Tại một buổi điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết cơ quan này đã khởi động các cuộc điều tra đối với giám đốc, nhân viên, nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, và các bên có liên kết với các ngân hàng trên để xem họ có sai phạm trong hoạt động quản lý ngân hàng này không.

Tuy nhiên, ông Gruenberg không cung cấp thông tin chi tiết về đối ượng của cuộc điều tra. Đây có thể là một trong số nhiều cuộc điều tra mà Chính phủ Mỹ thực hiện liên quan đến sự sụp đổ của hai ngân hàng nói trên.

Một số nguồn tin cho biết các công tố liên bang và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đang xem xét xem liệu các lãnh đạo của SVB có sai phạm nào dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này hay không.  Các cá nhân bị điều tra đang thuê luật sư đại diện cho họ trong các cuộc điều tra của chính phủ.

Sự phá sản đột ngột của SVB đã đặt ra những nghi vấn về những điều mà các lãnh đạo ngân hàng này nắm được về những vấn đề của SVB và những gì mà họ công khai với các nhà đầu tư.

Chính phủ Mỹ thường mở điều tra đối với các sự kiện như vừa qua, và các cuộc điều tra này không phải lúc nào cũng dẫn đến những cáo buộc sai phạm.

FED kêu gọi siết chặt quy định quản lý ngân hàng

michael-barr-fed-wall-street-journal.jpg
Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của FED Michael Barr  - Nguồn: Wall Street Journal

Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ông Michael Barr nhận định vụ ngân hàng SVB phá sản là trường hợp “điển hình” về quản lý yếu kém, đồng thời kêu gọi siết chăt quy định quản lý ngân hàng.

Bình luận trước khi bước vào buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 28/3, ông Barr cho rằng SVB phá sản vì ngân hàng này đã không quản lý rủi ro lãi suất và thanh khoản. Vụ phá sản này cho thấy cần phải xem xét lại toàn bộ những gì đã xảy ra, trong đó có sự giám sát của FED đối với ngân hàng này.

Phó Chủ tịch Barr phân tích SVB phá sản sau khi gặp rủi ro lãi suất cao quá mức khi FED bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chính mô hình kinh doanh tập trung của SVB, theo đó phụ thuộc nhiều vào mạng lưới liên kết chặt chẽ những nhà đầu tư mạo hiểm, đã khiến ngân hàng này dễ bị tổn thương khi người gửi tiền lo lắng.

Ngoài ra, việc SVB đã để quá lâu mới giải quyết những vấn đề của mình và hành động chậm trễ cuối cùng mà ngân hàng thực hiện để củng cố bảng cân đối kế toán đã khiến những người gửi tiền không được bảo hiểm tìm cách rút tiền, khiến ngân hàng phá sản.

Ông Barr nhấn mạnh việc thông qua Đạo luật Tăng trưởng kinh tế, nới lỏng quy định và bảo vệ người tiêu dùng năm 2019 đã khiến FED giảm các quy định đối với các ngân hàng nhỏ hơn, trong đó có SVB. Các tiêu chuẩn “ít nghiêm ngặt hơn” đồng nghĩa với việc SVB sẽ được giảm các đợt sát hạch, cũng như các tiêu chuẩn về kế hoạch vốn và quản lý rủi ro thanh khoản ít khắt khe hơn.

Quan chức FED khẳng định vụ phá sản của SVB cho thấy cần phải tăng cường cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng Mỹ. Ông cho biết FED sẽ đề xuất một số cải cách nhằm gia tăng các yêu cầu về vốn và nợ dài hạn đối với các ngân hàng có quy mô như SVB.

Theo Phó Chủ tịch Barr, cần tăng cường sát hạch với nhiều tình huống để nắm bắt được nhiều loại rủi ro hơn và phát hiện các kênh lây lan giống như những gì xảy ra trong các sự kiện gần đây, đồng thời cần có những thay đổi đối với các quy định về thanh khoản để cải thiện khả năng hồi phục của hệ thống tài chính Mỹ.

Cùng chuyên mục
FDIC mở điều tra liên quan đến sự sụp đổ của SVB và Signature Bank