Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo hai năm một lần về Nghèo đói và thịnh vượng chung với chủ đề “Chung tay giải bài toán đói nghèo”, do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/10.
Nghèo đói vẫn là vấn đề lớn của thế giới - Ảnh minh hoạ |
Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ nghèo cùng cực vào năm 2030 và thúc đẩy thịnh vượng chung. Đây là các mục tiêu chúng tôi vẫn tiếp tục cam kết thực hiện. Đồng thời, chúng ta có thể nhìn rộng ra về đói nghèo ở nhiều cấp độ và phương diện khác nhau trên toàn thế giới. Cái nhìn toàn cảnh này cho thấy nghèo đói ngày càng lan rộng và bám rễ sâu hơn, bởi vậy việc đầu tư vào con người càng trở nên quan trọng.”
Mặc dù tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm đáng kể từ 36% vào năm 1990 nhưng dựa theo đánh giá về bản chất của đói nghèo trong báo cáo này, thách thức đối với việc xóa bỏ nghèo đói còn rất lớn. Tính đến năm 2015 vẫn còn hơn 1,9 tỷ người, chiếm 26,2% dân số thế giới đang sống dưới mức 3,2 USD/ngày và gần 46% dân số thế giới đang sống dưới mức 5,5 USD/ngày.
Ngoài khía cạnh thu nhập của nghèo đói, báo cáo còn đưa ra đánh giá về tác động của tiếp cận đối với điện, nước, điều kiện vệ sinh và giáo dục đối với sức khỏe của người dân. Phụ nữ và trẻ em thường là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của nghèo đói, bởi vậy báo cáo cũng tiến hành phân tích tác động của nghèo đói đối với từng thành viên trong hộ gia đình.
Báo cáo cho thấy 70/91 nước được khảo sát có sự cải thiện về thu nhập cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Trong hơn nửa các quốc gia này, thu nhập của nhóm 40% nghèo nhất lại tăng nhanh hơn mức bình quân, tức là họ đang được nhận một phần lớn hơn của “chiếc bánh” kinh tế. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn còn khá tụt hậu trong vấn đề chia sẻ thịnh vượng.
Báo cáo cũng chỉ ra những quốc gia có hệ thống dữ liệu đánh giá thịnh vượng chung yếu kém nhất lại là những quốc gia cần dữ liệu này để cải thiện nhất. Dữ liệu về thịnh vượng chung qua các năm chỉ được ghi nhận ở 1/4 quốc gia có thu nhập thấp và 4/35 quốc gia dễ bị tổn thương và đang bị ảnh hưởng do xung đột.
Đ. KHOA