Các đại biểu cắt băng khai trương Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh: Hồng Hải |
Tuy nhiên, một khó khăn trong ghép mô, tạng, đó chính là cầu lớn hơn cung. Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng nhưng nguồn nguyên liệu phần lớn đều không sẵn có, phần nhiều phải nhập từ nước ngoài rất đắt đỏ. Điển hình, nhu cầu bệnh nhân cần ghép van tim, mạch máu hàng năm đều lên tới hàng nghìn ca, nhưng nguồn nguyên liệu đều phải nhập từ nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có ngân hàng mô chính thống, mặc dù đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định cho phép thành lập ngân hàng mô của Bộ Y tế. Chính vì vậy, ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu tại cả nước.
“Sau hơn một năm chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị với căn cứ cơ sở pháp lý, Ngân hàng mô Bệnh viện Việt Đức chính thức được công nhận là Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động”- GS,TS. Trần Bình Giang nhấn mạnh.
Theo đó, Ngân hàng mô có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô; cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học; cung ứng, trao đổi mô với ngân hàng mô khác; hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc trao đổi mô nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học…
Chiều cùng ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tổ chức lễ tiếp nhận thiết bị y tế trị giá 5 tỷ đồng do Bộ Công an trao tặng, giúp bệnh viện trang bị các hộp đựng tạng và các thiết bị chuyên dụng cho ngân hàng mô.
Đồng thời với chủ trương của bệnh viện trong việc đa dạng hóa các mô hình hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế đổi mới phong cách, thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện đã khai trương khu khám bệnh theo yêu cầu khang trang, đảm bảo các điều kiện tốt nhất phục vụ người bệnh.
Đ. KHOA