
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), ước tính GDP quý I tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2025 lần lượt là 3,21%; 4,85%; 5,42%; 3,46%; 5,98% và 6,93%.
Như vậy, kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7,0% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (Kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2025 đạt từ 6,5%-7,0%, trong đó tăng trưởng của quý I/2025 đạt 6,2%-6,6%), nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8,0% (theo đó, mục tiêu tăng trưởng của quý I/2025 là 7,7%) do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% (tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2025 lần lượt là: 3,03%; 4,51%; 4,99%; 6,99%; 6,24% và 7,70%), đóng góp 53,74% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong quý I với sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2025 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28% (giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng 7,49% so với cùng kỳ năm trước), đóng góp 2,33 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,76%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,99%, cao hơn so với tốc độ tăng 7,57% của quý I/2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.
Cục Thống kê - Bộ Tài chính
Trong khu vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức tăng khá cao.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 9,90% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,31%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,47%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,83%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 6,66%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,56%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,31%; khu vực dịch vụ chiếm 43,44%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,69%.
Về sử dụng GDP quý I/2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 7,24%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,45%.
Theo Cục Thống kê, kết quả đạt được là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Mỹ và phản ứng của các nước.
Căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước, nguy cơ chiến tranh thương mại đang hiện hữu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng... gia tăng.
Trong bối cảnh tăng trưởng yếu đi và lạm phát giảm xuống của các tháng đầu năm, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Nhiều tổ chức quốc tế giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm tăng trưởng toàn cầu năm 2025 so với dự báo đưa ra trước đó. Tháng 01/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt lần lượt là 2,7% và 2,8%, giữ nguyên so với dự báo trong tháng 6/2024.
Tháng 3/2025, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 đạt 3,1% và 2,3%, điều chỉnh lần lượt giảm 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2024.
Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2024.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam đạt 6,8%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm. UN dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam đạt 6,5%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với năm 2024...
Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 25/NQ-CP và các văn bản liên quan.
Các bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra, giúp kinh tế - xã hội nước ta đạt kết quả tích cực trong quý I vừa qua./.