
Xử lý hiệu quả các thách thức, điểm nghẽn
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, việc Chính phủ trình Quốc hội Đề án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 cho thấy nỗ lực rất lớn, quyết tâm chính trị rất cao. Đây là nền tảng năm 2025 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ, là cơ sở vững chắc để tiếp tục có tăng trưởng cao hơn, có thể là 2 con số từ năm 2026 trở đi. Để thực hiện được các mục tiêu này, các đại biểu cho rằng, điều quan trọng là cần nhận diện, xử lý hiệu quả các thách thức, các nút thắt, điểm nghẽn đã và đang tồn tại nhằm khơi thông mọi nguồn lực
Với tinh thần đó, bên cạnh nỗ lực hoàn thiện thể chế để tạo sự đột phá, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị, cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Theo đại biểu, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, song trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và vốn bổ sung thêm; đồng thời, có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư…
Mục tiêu tăng trưởng 8% và có thể hơn nữa của năm 2025 là một bài toán, một phép thử, một bài test để chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Nếu triển khai tốt năm 2025, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào giai đoạn phát triển tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số như định hướng của Trung ương.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) hiến kế, cần đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án đầu tư vào khai thác, càng nhanh càng tốt. “Nhiều dự án triển khai kéo dài nhiều năm, thủ tục rất rườm rà, phức tạp, triển khai gặp nhiều vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cơ hội đầu tư sẽ trôi đi, nhiều nhà đầu tư phải gồng gánh với nợ đến mức phá sản, đất nước mất đi một động lực tăng trưởng” - đại biểu chỉ ra thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh thu hút các nguồn FDI, bởi đây là một trong những động lực quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng 8% và 2 con số, nhất là việc cải cách thể chế mạnh mẽ tạo ra những cơ chế đột phá, ưu đãi sâu để thu hút những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.
Muốn đạt GDP 8% và hướng tới đạt 2 con số thì doanh nghiệp phải mạnh, phải lớn. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp là được các ngân hàng chia sẻ một phần lợi nhuận bằng cách giảm lãi suất để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, góp phần đạt con số 8% trở lên” - đại biểu nói.
Bên cạnh đó, các ĐBQH đề nghị khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA đã ký kết; có giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động…
Phát huy vai trò, tiềm năng của mỗi địa phương
Nhấn mạnh vai trò quan trọng, nòng cốt của các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các đại biểu cũng đề nghị, Đề án của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội cần xác định rõ vai trò, vị trí, cơ hội, trách nhiệm của các địa phương. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề xuất, cần tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt trong đầu tư công và bắt nhịp tham gia các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. “Mỗi địa phương, mỗi khu vực có những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế rất riêng, vấn đề quan trọng là phải làm sao đánh giá cho đúng, tạo cơ chế thuận lợi nhằm phát huy được sự vào cuộc thực sự của các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp đất nước ta bước vào một thời kỳ phát triển thịnh vượng và bền vững” - đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu quan điểm.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dưới góc độ địa phương, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiều thách thức lớn, bao gồm cả vấn đề nội tại và tác động từ bối cảnh chung của nền kinh tế. Nhiều địa phương vẫn dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng, phụ thuộc vào vốn đầu tư và khai thác tài nguyên trong khi hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động thấp. Ở nhiều địa phương, quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và kinh tế số còn gặp nhiều hạn chế do thiếu nhân lực chất lượng cao, công nghệ lạc hậu và thiếu liên kết chuỗi giá trị… Để giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương có những chính sách hỗ trợ đồng bộ, cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho các địa phương. Trong đó, cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương có tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững…
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những chính sách đặc thù thí điểm và các đối tượng, địa bàn được áp dụng các chính sách này. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để chính sách này mang lại hiệu quả ngay trong năm 2025, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Đồng thời, quy định quy trình rút gọn trong xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế, để các cơ chế, chính sách này sớm đi vào cuộc sống nhằm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của các vùng này./.